1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc muốn Philippines khép lại phán quyết quốc tế về Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc tiếp tục phản đối phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông sau khi Tổng thống Philippines đưa văn kiện này ra Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc muốn Philippines khép lại phán quyết quốc tế về Biển Đông - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: AFP)

“Quan điểm của Trung Quốc về cái gọi là phán quyết trọng tài rất rõ: Chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi không công nhận cái gọi là phán quyết này. Hai lãnh đạo của chúng ta đã nhất trí rằng chúng ta nên khép lại chương cũ và gác lại các khác biệt", Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xillian nói ngày 25/9.

Trước đó, trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Biển Đông.

Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở Hà Lan là chiến thắng dành cho Philippines sau khi theo đuổi vụ kiện Trung Quốc vì yêu sách chủ quyền "đường lưỡi bò" (hay đường chín đoạn) phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tòa kết luận rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là "đường chín đoạn".

Trung Quốc từng từ chối tham gia vào tiến trình của vụ kiện và từ đó tới nay vẫn ngang nhiên bác bỏ phán quyết. Bắc Kinh phớt lờ phán quyết bằng cách gia tăng các hành động khiêu khích với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines “kiên quyết phản đối các nỗ lực phá hủy phán quyết này", đồng thời “hoan nghênh việc ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết”.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Duterte cũng từng phát tín hiệu gác phán quyết sang một bên khi ông Duterte muốn Philippines xích lại gần Trung Quốc và xa rời dần đồng minh truyền thống là Mỹ.

Theo Đại sứ Huang, mặc dù Tổng thống Duterte đề cập và khẳng định mạnh mẽ phán quyết về Biển Đông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, song điều đó cũng không làm cản trở tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Philippines.

“Vấn đề Biển Đông chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ Trung Quốc - Philippines”, ông Huang nói.

Đại sứ Trung Quốc cũng dẫn lại tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hồi tháng 7 rằng, bất đồng giữa hai nước chỉ là vấn đề nhỏ trong hợp tác kinh tế mang lại lợi ích chung. Tuy vậy, ông Locsin vẫn khẳng định phán quyết Biển Đông là “không thể thỏa hiệp”, trong đó “tòa đã phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển là không có cơ sở pháp lý”.

Đại sứ Huang cho rằng sự đồng thuận giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quố cvà Philippines về việc gạt sang một bên tranh chấp hàng hải và quản lý tranh chấp thông qua các cuộc tham vấn song phương nên được hai nước thực thi chặt chẽ.

Theo ông Huang, các cơ chế đối thoại như Cơ chế tham vấn song phương (BCM) “đang hoạt động rất tốt để giải quyết các khác biệt” và đẩy mạnh hợp tác trên thực tế. Đại sứ Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh "cam kết đẩy nhanh" tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN để thúc đẩy hòa bình và ổn định.

Ông Huang cho rằng các cường quốc bên ngoài không được phép làm tổn hại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Ông cũng khẳng định các nước có quyền "tự do đi lại trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế".

Đại sứ Huang cũng bác bỏ “các cáo buộc sai lầm” về cái gọi là “bẫy nợ” của Trung Quốc.

“Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy các dự án của Trung Quốc đe dọa an ninh của Philippines. Thay vào đó, các dự án này đang đóng góp vào việc xây dựng đất nước của các bạn”, ông Huang giải thích.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm