Bảo vệ phán quyết Biển Đông, ông Duterte được chuyên gia trong nước ủng hộ
Các nhà chức trách và chuyên gia trong nước đã hoan nghênh quan điểm của Tổng thống Philippines đối với phán quyết Biển Đông.
Bài phát biểu của Tổng thống Philippines Rodgrio Duterte tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75, trong đó khẳng định bảo vệ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông đã nhận được sự khen ngợi từ các chuyên gia và nhà chức trách trong nước.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Duterte đã khẳng định lại chiến thắng pháp lý của Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện về Biển Đông năm 2016 và cam kết “kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại” phán quyết này.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Albert Del Rosario cho rằng bước tiếp theo là chính phủ Philippines cần làm việc nghiêm túc hơn để nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn nữa đưa phán quyết của Tòa trọng tài được nâng cao hơn vào năm tới trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76. Ông cũng kêu gọi người dân Philippines không nên bỏ lỡ cơ hội này vì đây là lần đầu tiên ông Duterte xuất hiện trước quốc tế trong nhiệm kì Tổng thống của mình để lên tiếng bảo vệ phán quyết Biển Đông.
Cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio cũng ca ngợi lập trường mạnh mẽ của ông Duterte về vấn đề này. Ông bày tỏ hy vọng rằng chính quyền sẽ bảo vệ chủ quyền Philippines ở tất cả các cấp và thu hút thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chuyên gia luật hàng hải Philippines, ông Jay Batongbacal cũng bày tỏ quan điểm tương tự và cho rằng “lời nói phải đi đôi với hành động, chứ không phải chỉ nói để gây ấn tượng với Liên Hợp Quốc”.
Trong khi đó, cựu đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc, ông Lauro Baja Jr nói Tổng thống Duterte đã thực hiện một "bước quan trọng" bởi lần đầu tiên sau 4 năm ra đời, phán quyết Biển Đông mới được bảo vệ một cách mạnh mẽ, điều mà “đáng lẽ ông Duterte đã có thể làm mạnh hơn giống như cách ông đã làm đối với vấn đề ma túy và nhân quyền”. Cựu Đại sứ Baja cho rằng, hành động này của nhà lãnh đạo Philippines sẽ là cơ sở để quyết đoán hơn trong việc yêu cầu Trung Quốc "tuân thủ quyết định của Liên Hợp Quốc, tôn trọng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và kiềm chế những gì họ đang làm trong khu vực".
Năm 2016, Tòa trọng tài ở La Hay đã ra phán quyết, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông thông qua “đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc đã nhiều lần từ chối công nhận phán quyết của tòa và tiếp tục cải tạo các đảo trong khu vực tranh chấp cho các mục đích quân sự và nghiên cứu.