1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc lớn tiếng “la làng”, tự nhận là nạn nhân trong vụ kiện Biển Đông

(Dân trí) - Trong bài xã luận đăng trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo ngày 11/7, Trung Quốc ngang nhiên tự nhận là nạn nhân trong vụ kiện do Philippines khởi xướng tại tòa trọng tài quốc tế, đồng thời cáo buộc Mỹ lợi dụng vụ kiện để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Các tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động phi pháp quanh đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: AMTI)
Các tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động phi pháp quanh đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: AMTI)

Theo Guardian, trong bài xã luận đăng trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh đưa ra lập luận phủ đầu, một lần nữa ngang nhiên bác bỏ tính hợp pháp của tòa trọng tài quốc tế khi tòa dự kiến đưa ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc liên quan tới yêu sách đường lưỡi bò phi lý của nước này trên Biển Đông vào ngày mai 12/7.

Tờ báo còn ngang ngược khẳng định thêm rằng, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc nhất định không phải là thủ phạm, mà là nạn nhân.

Guardian cho biết, bài xã luận của Nhân dân Nhật báo còn lớn tiếng buộc tội Mỹ đã lợi dụng vụ kiện của Philippines để cản trở đà trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực.

Cũng theo Guardian, bài xã luận nói trên là một phần trong chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ của Trung Quốc trước thời điểm tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết. Trong các yêu cầu khởi kiện của Philippines, Manila đề nghị tòa bác bỏ những yêu sách chủ quyền về “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự ý vẽ ra, chiếm 90% diện tích Biển Đông.

Giới quan sát nhận định, phán quyết của tòa nhiều khả năng sẽ có lợi cho Philippines, nhưng có thể sẽ châm ngòi cho sự giận dữ và phản đối của Trung Quốc. Theo đó, mức độ phản ứng của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào mức độ chi tiết của phán quyết.

Tờ Nhân dân Nhật báo bản tiếng Anh hôm nay cũng ngang ngược đưa ra cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước, đồng thời cáo buộc Mỹ tuyên bố “chiến tranh pháp lý” với Trung Quốc bằng cách đứng sau hậu thuẫn cho Philippines.

“Dù thắng hay thua thì phán quyết của tòa cũng không có ý nghĩa gì khác biệt với Bắc Kinh, vì đó là phiên tòa bất hợp pháp khi họ không có thẩm quyền xét xử vụ việc này”, tờ báo lớn tiếng cho biết.

Ashley Townshend, một học giả tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney nhận định, phán quyết của tòa trọng tài sẽ tạo ra “phép thử quan trọng” về tính nghiêm minh của luật pháp quốc tế tại Biển Đông, cũng đồng thời cho thấy mức độ sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

“Trung Quốc có thể phản ứng bằng những lời lẽ sâu cay với bất kỳ phán quyết chỉ trích nào của tòa và có thể sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này trên các đảo nhân tạo đang kiểm soát như một động thái thách thức. Tuy nhiên, họ sẽ không dùng tới quân đội theo những cách thức nguy hiểm mà chỉ phô diễn sức mạnh quân sự là chính”, ông Townshend dự đoán.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lập luận rằng có thể Trung Quốc sẽ có những phản ứng mạnh hơn thế, trong đó có việc tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hoặc tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trong khu vực.

Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế từ tháng 1/2013. Đơn của Philippines đề nghị phân xử 3 việc: làm rõ tính pháp lý của “đường 9 đoạn”, còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ôm lấy một vùng rộng lớn ở Biển Đông; quy chế của những thực thể Trung Quốc chiếm đóng như các bãi cạn và các quyền hàng hải của chúng, và các hoạt động của Trung Quốc tại những nơi Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Thành Đạt

Theo Guardian