1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lớn tiếng bảo vệ giới hạn đánh bắt trên Biển Đông

(Dân trí) - Trước phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Philippines, Bắc Kinh hôm nay 10/1 vẫn lớn tiếng bảo vệ quy định đánh bắt của tỉnh Hải Nam, theo đó yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin phép giới chức Trung Quốc mới được vào khu vực chiếm 2/3 Biển Đông.

 

Mỹ ngày 9/1 đã gọi quy định bắt các tàu cá nước ngoài phải xin phép Trung Quốc mới được vào khu vực chiếm 2/3 Biển Đông mà tỉnh Hải Nam đưa ra là hành động “khiêu khích” và “nguy hiểm”. Quy định này phần lớn giống với một quy định có từ năm 2004 và các quy định tương tự cũng đã từng được công bố vào năm 1998 và 1993.

  

Bắc Kinh cho rằng động thái mới nhất là nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên đánh bắt. “Chúng tôi không hài lòng và phản đối” phản ứng của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết quy định này đã được áp dụng từ nhiều năm qua và còn lớn tiếng cho rằng chỉ trích đối với quy định là xuất phát từ "thiếu lẽ thường cơ bản" hoặc do "một số động cơ được che giấu nào đó”.

 

Quy định phải xin phép giới chức Hải Nam các tàu cá nước ngoài mới được vào khu vực bao trùm lên 2/3 Biển Đông bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2014 và được thông qua vào cuối tháng 11 vừa qua.

 

Tân Hoa xã tháng trước cho hay, quy định được áp dụng trên 2 triệu km vùng biển mà Hải Nam tuyên bố quản lý, tuy nhiên không nói chính xác khu vực hay các biện pháp sẽ được thực thi. Song tổng diện tích của khu vực chiếm 2/3 Biển Đông, mà nhiều vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia.

 

Ngoài Mỹ, đảo Đài Loan, Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay cũng đã ra tuyên bố bày tỏ “lo ngại sâu sắc” với động thái của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines còn cho biết cơ quan này đã sẵn sàng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế nằm cách bờ biển Philippines 200 hải lý. Hội nghề cá Việt Nam hôm nay cũng đã có văn bản phản đối quy định của Hải Nam, Trung Quốc, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái trên Biển Đông.
 

Ngoài Biển Đông, Trung Quốc hiện cũng đang đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm cả Senkaku/Điếu Ngư đã gây ra căng thẳng quốc tế hồi tháng 11 vừa qua. Vùng phòng không của Trung Quốc yêu cầu tất cả các máy bay nước ngoài phải công bố mục đích bay và duy trì liên lạc với giới chức Trung Quốc nếu không sẽ đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không nói rõ những biện pháp này là gì.

 

Vũ Quý

Theo AFP