1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Philippines mua thêm 2 tàu chiến Mỹ đối phó với Trung Quốc

(Dân trí) - Philippines muốn mua thêm 2 tàu hải quân của Mỹ để đẩy mạnh bảo vệ lãnh hải trong bối cảnh có các đe dọa từ Trung Quốc, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines ngày 15/1 cho biết.

Tàu chiến Gregorio del Pilar của Philippines được mua lại từ hải quân Mỹ.

Tàu chiến Gregorio del Pilar của Philippines được mua lại từ hải quân Mỹ.

Kế hoạch mua sắm mới có thể nằm trong sự trợ giúp quân sự được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố khi ông tới thăm Philippines hồi tháng trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Emmanuel Bautista cho hay.

"Trong năm ngoái, chúng tôi đã nhận ra rằng có một mối đe dọa thực sự về việc bảo vệ lãnh thổ của chúng ta", ông Bautista nói với kênh truyền hình ANC.

Theo ông Bautista, lý tưởng nhất là Philippines cần thêm khoảng 6 tàu khu trục để bảo vệ hiệu quả đường bờ biển dài.

"Nhưng trên thực tế, chúng tôi giờ đây đang mua 2 tàu. Chúng tôi sẽ vọng sẽ được bàn giao chúng trong 2 năm nữa", ông Bautista nói.

Ông Bautista cho hay bảo vệ và "nhận thức chủ quyền hàng hải" là mối quan tâm chính trong nhiệm kỳ của ông.

Theo Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, các khoản quỹ được sử dụng nhằm đẩy mạnh phòng vệ biển có thể lấy từ nguồn trợ giúp quân sự trị giá 40 triệu USD dành cho Philippines mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo hồi tháng 12 năm ngoái.

Philippines đã nhận được 2 tàu chiến được tân trang của Mỹ trong 2 năm qua và giờ đây chúng đang dẫn đầu các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
 
Trung Quốc liên tiếp có các hành động đáng lo ngại

Philippines, một đồng minh quân sự lâu năm của Mỹ, vướng vào một cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng với Trung Quốc liên quan tới các lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.

Vào năm 2012, tàu chiến BRP Gregorio del Pilar, chiến hạm đầu tiên mua của Mỹ, đã đối đầu với các tàu Trung Quốc tại bãi cạn tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông.

Trung Quốc cuối cùng đã giành quyền kiểm soát bãi cạn sau khi Manila rút lui. Tuy nhiên, chính phủ Philippines đã tìm kiếm sự phân sử của Liên hợp quốc để giải quyết tranh chấp, một động thái mà Bắc Kinh phản đối mảnh mẽ.

Manila cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp lớn hơn của Mỹ và hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán về sự hiện diện luân phiên tăng cường của các binh sĩ Mỹ tại Philippines trong khuôn khổ chính sách "xoay trục" của Washington sang châu Á.

Ông Bautista cho hay, tàu Gregorio del Pilar và một tàu khu trục khác được bàn giao hồi năm ngoái, đã được triển khai để bảo vệ lãnh hải Philippines.

"Có các tàu cá Trung Quốc ở Biển Tây Philippines", ông Bautista nói, nhưng từ chối cho biết liệu chúng có vào các vùng biển tranh chấp hay không.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong đó có các vùng biển gần bờ các quốc gia láng giềng.

Gần đây, Trung Quốc đã tuyên bố vùng nhận dạng phòng không(ADIZ) ở Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo Trung Quốc về việc áp dụng vùng nhận dạng phòng không tương tự ở Biển Đông và nói rằng chính phủ Mỹ cũng không thừa nhận ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông.

Hồi tuần trước, Trung Quốc đã công bố một luật đánh bắt mới, yêu cầu tất cả các tàu thuyền nước ngoài xin phép các cơ quan chức năng Trung Quốc khi vào Biển Đông. Động thái này đã gây ra các cuộc biểu tình giận dữ từ Philippines.

An Bình
Tổng hợp