1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc lên tiếng phản đối Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản

(Dân trí) - Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng về việc Nhật Bản cảnh báo về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong Sách Trắng Quốc phòng 2011, cho rằng tuyên bố này của Tokyo là “vô trách nhiệm”.

 
Trung Quốc lên tiếng phản đối Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản - 1

Các binh sĩ Trung Quốc.

Trong Sách Trắng Quốc phòng 2011 công bố hôm 2/8, Nhật Bản lên tiếng bày tỏ lo ngại về thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông và Thái Bình Dương, cũng như “những mập mờ” trong ngân sách dành cho quốc phòng của Bắc Kinh.

Trong tuyên bố đưa ra tối qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc khẳng định mục đích nước này hiện đại hóa lực lượng “hoàn toàn là để bảo vệ chủ quyền của đất nước” và “không nhằm vào bất kỳ nước nào khác”.

“Sách Trắng Quốc phòng 2011 của Nhật Bản chứa những bình luận vô trách nhiệm về xây dựng phòng vệ quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc rất không bằng lòng”, người phát ngôn Trung Quốc nói.

Ông này cũng gián tiếp cảnh báo Tokyo “không nên tách rời tình thế phòng vệ lâu nay của mình”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho rằng Nhật Bản đã cố tình phóng đại về “mối đe dọa Trung Quốc” và hành động với những động cơ “không tiện nói ra”.

Theo người phát ngôn, những bình luận đưa ra trong Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản là “vô trách nhiệm”, và rằng việc Trung Quốc tăng cường phòng thủ và hiện đại hóa lực lượng quân đội “hoàn toàn là vì mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cũng như đảm bảo phát triển kinh tế xã hội hài hòa”.

Hôm qua, tờ China Daily lại cho rằng Tokyo viện cớ Trung Quốc là một "mối đe dọa" để biện minh cho việc tăng cường quốc phòng của mình.

Nhật Bản công bố Sách Trắng Quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động trên Biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, và Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị các láng giềng Đông Nam Á tố cáo là vi phạm chủ quyền.

AFP bình luận: Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã gây căng thẳng hầu như với tất cả các quốc gia có biển chung với họ. Sau sự cố vào năm ngoái khi tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản trong vùng biển Hoa Đông, qua năm nay, đến lượt tàu hải quân Trung Quốc hù dọa tàu thăm dò dầu khí cũng như ngư thuyền Philippines tại vùng Biển Đông.

“Trong mọi trường hợp, Bắc Kinh đều lớn tiếng đổ lỗi cho láng giềng vi phạm vùng biển của Trung Quốc, mà đường ranh giới do chính Bắc Kinh đơn phương vẽ ra”, hãng tin viết.

Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hôm 2/8 nhận định rằng trong bối cảnh đó, “hướng đi tới đây của Trung Quốc có thể là một nguyên do cần quan ngại”.

Báo cáo của Nhật Bản cũng xác định rằng chi phí quốc phòng của Trung Quốc không minh bạch, ngân sách quân sự được thông báo công khai chỉ là “một phần của những gì Bắc Kinh thực sự dành cho mục đích quân sự”.

Về triển vọng trước mắt, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không che giấu nỗi lo ngại khi nhận định rằng hải quân Trung Quốc dự kiến ​​mở rộng các hoạt động thường nhật tại các vùng Biển Đông, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương

“Căn cứ vào quá trình hiện đại hóa gần đây của Hải quân và Không quân Trung Quốc, các khu vực nằm trong tầm hoạt động của họ có thể sẽ mở rộng ra bên ngoài vùng biển tiếp giáp Trung Quốc”, Sách Trắng viết.

Việt Hà
Theo Reuters, AFP, People Daily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm