Trung Quốc lâm thế bí sau vụ Mỹ đóng cửa lãnh sự ở Houston
(Dân trí) - Liên tiếp bị Mỹ thách thức trên nhiều mặt trận, Trung Quốc đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc đáp trả để giữ hình ảnh hoặc hòa hoãn để tránh bị cô lập.
Cách đây 2 tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết với Mỹ sẽ hạ nhiệt căng thẳng và tìm cách để hai nước hợp tác với nhau. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, ông phàn nàn với người đồng cấp Nga rằng Mỹ “mất trí”.
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục giáng đòn vào Trung Quốc khiến nước này có rất ít lựa chọn để đáp trả mà không hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ giữa hai cường quốc. Bởi nếu mối quan hệ này bị phá hủy, nó sẽ khiến Bắc Kinh thậm chí bị cô lập hơn ở thời điểm Bắc Kinh căng thẳng với Ấn Độ, Anh, Canada, Australia và nhiều quốc gia khác. Nó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc vốn đã bị “bầm dập” bởi đại dịch Covid-19 và tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hôm 21/7 trong vòng 72 giờ chỉ là hành động mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump nhằm vào Bắc Kinh. Chỉ vài tuần trở lại đây, Mỹ liên tục giáng đòn vào Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nhắc lại, nước này sẽ đáp trả tương xứng và thực tế Trung Quốc hôm nay 24/7 đã yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Thành Đô, 1 trong 5 lãnh sự quán của Mỹ ở Trung Quốc.
Những diễn biến này như đổ thêm dầu vào lửa, kích động tâm lý "bài Mỹ" ở Trung Quốc và tạo điều kiện cho các quan điểm “diều hâu”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp đáp trả Mỹ, thậm chí cân nhắc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong.
Ở phía hậu trường, các quan chức cấp cao Trung Quốc dường như không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa vì lo ngại rằng bất cứ động thái nào cũng chỉ tạo điều kiện cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. “Đây là một chiến thuật quen thuộc để làm xao lãng dư luận bên ngoài và tập hợp sự ủng hộ của cử tri dành cho Tổng thống (Trump)”, Lau Siu-kai, cố vấn cấp cao của Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong, nhận định. Mặt khác, Bắc Kinh không chấp nhận hình ảnh yếu đuối trước những đòn từ Mỹ.
Tại một cuộc họp báo trong tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cũng cho thấy rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan của giới chức nước này.
“Chúng tôi không muốn can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, chúng tôi cũng hy vọng phía Mỹ sẽ không dùng Trung Quốc làm lá bài trong cuộc bầu cử đó. Chúng tôi khuyến cáo Mỹ không nên mắc sai lầm này đến sai lầm khác, nếu không Trung Quốc chắc chắn sẽ có hành động đáp trả cần thiết và phù hợp”, ông Wang nói.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan
Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang vượt dự đoán, giới chức Trung Quốc hiện bất đồng về cách ứng phó. Một mặt, các quan chức an ninh và quân đội Trung Quốc phản đối các nỗ lực hòa giải vì cho rằng điều đó sẽ khiến Mỹ coi Bắc Kinh là yếu đuối, New York Times dẫn một số nguồn thạo tin giấu tên cho hay. Mặt khác, một số quan chức Trung Quốc, những người chủ trương tập trung vào kinh tế, đưa ra những biện pháp mềm mỏng hơn như duy trì thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ - Trung. Nghĩa là, kể cả sau khi đóng cửa lãnh sự ở Houston, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết hồi đầu năm với Mỹ, nguồn tin cho biết.
Nếu Trung Quốc muốn gây rắc rối cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, Bắc Kinh có thể ngừng việc nhập khẩu khối lượng lớn lương thực từ Mỹ theo thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn mua khối lượng lớn ngô, lúa mì, thịt lợn của Mỹ. Cách đây 2 tuần, Trung Quốc thậm chí đặt mua lượng ngô Mỹ lớn nhất từ trước đến nay, chỉ 4 ngày sau một giao dịch quy mô lớn khác.
Người ra quyết định cuối cùng về cách ứng phó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng đến nay ông chưa đưa ra bất cứ bình luận công khai nào về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi Mỹ thông báo lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, ông Tập đang có chuyến thị sát ở Cát Lâm và dường như không chút lo ngại về căng thẳng ngoại giao này.
Giới chức Trung Quốc dường như bất ngờ với việc quan hệ với Mỹ xấu đi quá nhanh khi mới chỉ đầu tháng này Ngoại trưởng Vương Nghị vạch hướng ổn định quan hệ song phương Trung - Mỹ.
Thay vì nhận lại những tín hiệu tích cực trong mối quan hệ song phương, Trung Quốc đang đối mặc với thách thức từ Mỹ trên nhiều mặt trận khác nhau.
Chính quyền Tổng thống Trump dường như không còn thiết tha với việc tháo ngòi nổ khủng hoảng. Các chính sách cứng rắn của chính quyền Mỹ cho thấy, Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, mới là bên định hình căng thẳng trong quan hệ song phương. “Hiện giờ Mỹ dường như không còn sẵn sàng mở cửa cho việc khôi phục quan hệ, thay vào đó họ chọn quay lưng lại với Trung Quốc”, Orville Schell, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Xã hội châu Á, nhận định.
Với quy mô căng thẳng hiện tại có sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, Trung Quốc khó hy vọng cải thiện quan hệ với Mỹ ngay cả khi một người khác không phải ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.