1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đưa tàu khảo sát mới đến Biển Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Một tàu khảo sát mới của Trung Quốc sẽ tiến ra Biển Đông trong chuyến hoạt động đầu tiên trên biển. Động thái này diễn ra sau khi Bắc Kinh đòi các nước ngoài phải khai báo khi vào "lãnh hải".

Trung Quốc đưa tàu khảo sát mới đến Biển Đông  - 1

Tàu khảo sát Shiyan 6 của Trung Quốc (Ảnh: Viện Khoa học Trung Quốc).

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tàu khảo sát Shiyan 6 của Trung Quốc hôm 6/9 đã rời cảng ở Quảng Châu để thực hiện "những nhiệm vụ khoa học" ở cửa sông Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Đông và vùng biển phía Bắc Biển Đông.

Con tàu có thể chở được tối đa 60 người, có lượng choán nước gần 4.000 tấn và có thể hoạt động 60 ngày liên tiếp trên biển, di chuyển được quãng đường khoảng 12.000 hải lý.

Tàu Shiyan 6 bắt đầu được đóng từ tháng 11/2018 với kinh phí đầu tư lên tới 77 triệu USD và được cho là tàu khảo sát tầm trung hiện đại nhất hiện nay của Trung Quốc với các phòng thí nghiệm trên khoang cho phép xử lý, phân tích mẫu và truyền dữ liệu vào đất liền thông qua vệ tinh.

Danh nghĩa nghiên cứu khoa học?

Theo SCMP, con tàu có thể thực hiện các nghiên cứu ngoài khơi và trong các vùng biển gần các đảo nhỏ, bãi đá ngầm ở Biển Đông và có thể sử dụng để thu thập dữ liệu về địa hình, dòng chảy, quần xã sinh vật biển.

Theo giới quan sát, Trung Quốc có thể sử dụng các tàu khảo sát với danh nghĩa tàu dân sự để bắt nạt và cưỡng ép các nước khác trong khu vực. Các tàu khảo sát Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại các vùng biển có ý nghĩa chiến lược quân sự trên danh nghĩa nghiên cứu khoa học. Giới quan sát cho rằng, các tàu này Trung Quốc thực chất đang vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hoạt động.

Việc triển khai tàu khảo sát mới diễn ra sau khi Trung Quốc ra quy định mới yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải khai báo các thông tin khi đi qua "lãnh hải" Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích của các nước là "rất đáng quan ngại" và "tạo nền tảng cho bất ổn, xung đột tiềm tàng" ở Biển Đông.