1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô: Lợi bất cập hại

Minh Phương

(Dân trí) - Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp nước ngoài coi việc Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là dấu hiệu của bất ổn lớn.

Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô: Lợi bất cập hại - 1

Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Đầu tuần này, Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô, tây nam Trung Quốc theo yêu cầu của Bắc Kinh để đáp trả việc Mỹ đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vài ngày trước đó trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường leo thang căng thẳng gần đây.

Thành Đô là thành phố với khoảng 16 triệu dân, được đánh giá là có vị trí chiến lược về kinh tế cũng như địa chính trị. Đó là lý do Mỹ lựa chọn đặt tổng lãnh sự quán tại đây.

"Việc đóng cửa lãnh sự quán (ở cả Mỹ và Trung Quốc) đồng nghĩa với dấu chấm hết cho một mối quan hệ và khiến nhiều người cảm thấy buồn", Pang Zhongying, chuyên gia đối ngoại tại Bắc Kinh, nhận định.

Jeff Moon, tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô từ năm 2003 đến 2006 và hiện là người đứng đầu Viện nghiên cứu, cố vấn về Trung Quốc, nhận định diễn biến mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc và không có lợi cho cả hai bên.

Với nhiều người dân địa phương, lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là biểu tượng của mối quan hệ Trung - Mỹ, là cửa sổ để nhìn sang Mỹ và thế giới.

Việc lãnh sự quán bất ngờ bị đóng cửa đồng nghĩa họ sẽ gặp không ít bất tiện. Các hoạt động từ xin thị thực, du học hay chữa bệnh tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, các liên lạc với đối tác Mỹ cũng sẽ bị hạn chế. Quan trọng hơn, nó đồng nghĩa nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thành Đô và các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng và họ có thể mất đi những cơ hội kinh doanh.

Tính đến cuối năm 2018, Thành Đô đã thu hút 285 trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, SCMP dẫn thông tin giới chức địa phương cho biết.

Ông Benjamin Wang, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở tây nam Trung Quốc, hồi tháng 3 cho biết, kể từ năm 2008, Thành Đô đã trở thành lựa chọn đầu tư hàng đầu trong số các thành phố cấp hai. Ông Wang cho biết thêm, chiến lược “Hướng Tây” của Trung Quốc càng củng cố thêm tầm quan trọng của Thành Đô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giới đầu tư có thể coi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là một bất ổn lớn, đe dọa đến môi trường kinh doanh. Do vậy Thành Đô sẽ mất dần sức hút với doanh nghiệp nước ngoài.

“Tác động kinh tế có thể thấy đó là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá đó là rủi ro chính trị gia tăng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung. Điều đó không có nghĩa là các công ty nước ngoài ở Trung Quốc sẽ ngay lập tức rời đi nhưng rủi ro kinh doanh tăng lên sẽ khiến họ trì hoãn các kế hoạch làm ăn mới ở khu vực, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh khác. Khó có thể đo đếm chính xác tác động, nhưng rủi ro đó là có thật và sẽ ảnh hưởng đến tây nam Trung Quốc”, ông Jeff Moon nói.