1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc đối mặt viễn cảnh "chưa giàu đã già" khi số ca sinh giảm kỷ lục

Đức Hoàng

(Dân trí) - Số trẻ em ra đời ở Trung Quốc năm ngoái đạt mức thấp chưa từng có, khiến quốc gia tỷ dân đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và nỗi lo người dân "chưa giàu đã già".

Trung Quốc đối mặt viễn cảnh chưa giàu đã già khi số ca sinh giảm kỷ lục - 1

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc liên tục tụt giảm những năm qua (Ảnh minh họa: Reuters).

Số trẻ em ra đời ở Trung Quốc năm ngoái đạt mức thấp chưa từng có, khiến quốc gia tỷ dân đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và nỗi lo già hóa dân số. 

Số ca sinh ở Trung Quốc đã giảm 10% trong năm ngoái xuống mức thấp kỷ lục bất chấp hàng loạt nỗ lực của chính phủ trong những năm qua nhằm khuyến khích các cặp đôi sinh đẻ. Diễn biến này cũng dấy lên lo ngại ở Trung Quốc rằng nước này đang mất cân bằng về nhân khẩu học.

Theo một báo cáo do Ủy ban Y tế Quốc gia công bố, Trung Quốc chỉ có 9,56 triệu ca sinh vào năm 2022. Đó là con số thấp nhất kể từ khi con số này bắt đầu được thống kê vào năm 1949.

Chi phí chăm sóc và giáo dục trẻ em cao, tình hình kinh tế khó khăn và áp lực gia tăng trong công việc cũng như sự phân biệt giới tính là những yếu tố khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có nhiều con hoặc thậm chí sinh con.

Năm ngoái, dân số nước này cũng giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, xuống còn 1,41 tỷ người. Điều đó khiến các nhà nhân khẩu học trong nước cảnh báo rằng người dân Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với nguy cơ "chưa giàu, đã già".

Dân số già hóa cũng kéo theo hệ lụy nền kinh tế tăng trưởng chậm lại khi doanh thu giảm và nợ chính phủ tăng do chi phí y tế và phúc lợi tăng cao. Lực lượng lao động ngày càng co hẹp phải đối mặt với áp lực lớn hơn, trong khi nhà nước phải đáp ứng các chế độ cho nhóm người lớn tuổi ngày càng tăng.

Tháng trước, Phó lãnh đạo đại học Nhân dân Trung Quốc Du Peng, một nhà nhân khẩu học hàng đầu của quốc gia, cảnh báo tốc độ già hóa dân số ở đất nước này sẽ tăng trong thập niên tới, với số lượng người ngoài 60 tuổi tăng trung bình 10 triệu mỗi năm.

Theo ông Du, tới những năm 2030, Trung Quốc sẽ có thêm 100 triệu người cao tuổi và tới năm 2050, số lượng người trên 60 tuổi ở quốc gia này sẽ tăng lên 520 triệu, chiếm 37,8% dân số.

Điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng lên quỹ lương hưu nhà nước, các cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi và dịch vụ y tế.

Quỹ hưu trí đô thị, xương sống của hệ thống lương hưu nhà nước của Trung Quốc, trước đó đã được dự đoán sẽ cạn tiền vào năm 2035 do lực lượng lao động giảm và khoảng cách giữa đóng góp với chi tiêu tăng lên.

Do lo ngại về việc Trung Quốc đang già hóa dân số nhanh chóng, Bắc Kinh đã và đang khẩn trương thực hiện một loạt biện pháp để nâng tỷ lệ sinh, bao gồm các biện pháp khuyến khích tài chính và cải thiện cơ sở chăm sóc trẻ em.

Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chủ trì một cuộc họp về chủ đề dân số. Trung Quốc cho biết sẽ tập trung vào giáo dục, khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng dân số và nỗ lực duy trì mức sinh "vừa phải" để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Ngoài ra, từ năm 2015, Trung Quốc đã từ bỏ chính sách một con áp dụng suốt hàng chục năm trước. Theo giới quan sát, động thái này đã bắt đầu mang đến một số dấu hiệu tích cực.

Ví dụ, gần 40% trẻ sơ sinh ở Trung Quốc năm ngoái là con thứ 2 của một cặp vợ chồng, trong khi 15% là từ các gia đình có từ 3 con trở lên.

Theo Reuters