1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản "đau đầu" vì tù nhân ngày càng già hóa

(Dân trí) - Xu hướng tù nhân già hóa nhanh chóng khiến các nhà tù Nhật Bản phải tìm cách để đảm bảo sức khỏe, chế độ cơ bản cho các phạm nhân, những người đôi khi cảm thấy cuộc sống trong tù còn dễ chịu hơn là phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, thiếu tiền khi được phóng thích, theo Reuters.

Một quản giáo giám sát các tù nhân lớn tuổi làm việc. (Ảnh: Reuters)
Một quản giáo giám sát các tù nhân lớn tuổi làm việc. (Ảnh: Reuters)

Một người đàn ông 92 tuổi ngồi trên xe lăn, “tắm nắng” trên một khoảng sân hẹp, đôi mắt nhắm nghiền. Bên cạnh đó, hàng chục người đàn ông khác với mái tóc hoa râm đang cùng nhau chậm rãi tập một bài thể dục thư giãn đầu óc.

Thoạt nhìn, những người này trông giống như đang ở trong trại dưỡng lão nhưng thực tế họ là những phạm nhân. Cụ ông 92 tuổi đang thực hiện án tù chung thân vì tội cưỡng hiếp và giết người. Những người đàn ông tập thể dục bên cạnh đang chịu án cho những tội nghiêm trọng, bao gồm tội sát nhân.

Họ đang thụ án trong nhà tù ở Tokushima, cách thủ đô Tokyo, Nhật Bản 525 km về phía tây. Nhà tù này đã xây khu nhà giam các tù nhân lớn tuổi, là biểu tượng cho nỗ lực của Nhật Bản trong việc đối phó với vấn nạn phạm nhân ngày càng già hóa.

Số lượng tù nhân trên 60 tuổi đã tăng khoảng 7% trong 10 năm qua lên 9.308 người chiếm 19% tổng số tù nhân của Nhật Bản. Tại Mỹ, con số này là 6% trong khi Hàn Quốc là 11%.

“Tôi bị bệnh tim mạch và thường hay ngất đi trong nhà máy của của nhà tù”, một tù nhân 81 tuổi giấu tên nói. Ông bị kết án chung thân vì tội giết người khoảng 60 năm trước. Ông và khoảng vài chục tù nhân khác sinh sống, ăn uống và lao động trong tòa nhà nhà riêng dành cho tù nhân lớn tuổi ở Tokushima.

Đây là những đối tượng không thể thực hiện các công việc thường ngày giống các tù nhân khác như sản xuất giày và đồ lót trong nhà máy. Thay vào đó họ làm các công việc nhẹ nhàng như xếp giấy trong những căn phòng giam từ 4-5 tù nhân.

Đồ ăn của những người này được thái nhỏ nhằm đối phó với tình trạng dễ mắc nghẹn khi nhai và nuốt. Nhà tù đồng thời cũng phải thuê một người làm công việc chăm sóc đã được huấn luyện để chăm sóc các tù nhân lớn tuổi.

Với tù nhân 81 tuổi bị kết án chung thân, dù ông đã được tạm tha 2 lần nhưng ông lại tiếp tục bị bắt lại do uống rượu, một hành động vi phạm theo luật lệ Nhật Bản. Ở tuổi gần đất xa trời, người đàn ông này chỉ mong muốn tiếp tục được ra tù lần nữa để gặp lại người mẹ đã 103 tuổi.

Chế độ của tù nhân lớn tuổi

Các tù nhân lớn tuổi tập thể dục trong sảnh nhà tù. (Ảnh: Reuters)
Các tù nhân lớn tuổi tập thể dục trong sảnh nhà tù. (Ảnh: Reuters)

Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết họ không có thông tin về việc các thay đổi trong các nhà tù nhằm đối phó với tình trạng ngày càng nhiều tù nhân cao tuổi và cho biết sự thay đổi này là tùy thuộc vào từng cơ sở.

Reuters tiến hành gọi cho 13 nhà tù lớn ở Nhật Bản nhưng chưa nhà tù nào có khu giam giữ riêng cho các tù nhân lớn tuổi, nơi họ có thể ngủ và lao động trong buồng giam của họ mà không phải tập trung mỗi ngày để đến nhà máy lao động. Tuy nhiên, nhiều trại giam đã có những động thái thay đổi.

Ban quản lý nhà tù ở Takamatsu đã xây dựng tòa nhà 3 tầng và dành riêng tầng 1 giam các tù nhân lớn tuổi. Họ đảm bảo các tù nhân có thể sống mạnh khỏe nhưng không biến cuộc sống của những người này trở nên quá dễ chịu. Trong giờ làm việc, các tù nhân bị cấm nói chuyện cũng như các buồng giam không có điều hòa nhiệt độ. Vào mùa đông, các tù nhân chỉ được tắm 2 lần 1 tuần trong khi mùa hè là 3 lần 1 tuần.

Không muốn tự do?


Một nhân viên nhà tù chăm sóc một tù nhân lớn tuổi. (Ảnh: Reuters)

Một nhân viên nhà tù chăm sóc một tù nhân lớn tuổi. (Ảnh: Reuters)

Với những tù nhân lớn tuổi, được trao trả tự do dường như là một khái niệm không mấy vui vẻ.

Một phần tư các tù nhân trên 65 tuổi sau khi ra tù lại tiếp tục tái phạm và trở lại sau song sắt trong vòng 2 năm sau khi được phóng thích. Đây là tỉ lệ cao nhất, cao hơn bất cứ nhóm tuổi nào, theo dữ liệu chính phủ Nhật Bản năm 2015.

Các chuyên gia cho rằng điều này phản ánh một phần nào đó thách thức của những tù nhân hoàn lương trong công cuộc tìm kiếm việc làm, cũng như việc phải đối mặt với những khó khăn mà tự do mang lại cho họ.

“Nếu bạn còn trẻ trung, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm công việc và có cơ hội để sống cuộc sống bình thường. Thiếu công ăn việc làm cộng với cái “mác” từng bị “nhúng chàm” khiến cho việc tái hòa nhập trở thành thách thức với các tù nhân lớn tuổi”, chuyên gia Yasuyuki Deguchi tại đại học Tokyo Future, nhận định.

Tính riêng trong năm 2016, 36% những người trên 60 tuổi bị bắt giam trở lại ít nhất là lần thứ 6. Một tù nhân 71 tuổi đã ngồi tù lần thứ 7 vì tội trộm cắp và lừa đảo chia sẻ rằng không có việc làm và mái ấm là động lực khiến ông tiếp tục sa chân vào con đường phạm pháp.

“Có rất ít lựa chọn công việc khi bạn qua tuổi 65. Chừng nào bạn có nhà ở và công việc bạn mới có thể sống bình thường. Nếu không, bạn sẽ lại tiếp tục trộm cướp để kiếm cái ăn. Tôi biết nhiều người luôn sẵn lòng muốn quay trở lại nhà tù. Chừng nào bạn còn ở trong tù, ít nhất bạn có cơm để ăn và có nơi để ở”, người đàn ông nói.

Dù đã thụ án được 7 năm rưỡi trên tổng cộng 13 năm vì tội giết người, nhưng một phạm nhân ngoài 70 tuổi thành thật chia sẻ rằng với ông không có gì ngoài nỗi lo lắng tràn ngập khi được ra tù. “Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn để thích ứng với thế giới bên ngoài. Tôi còn không biết điện thoại thông minh là gì. Tôi đang cố gắng để loại bỏ suy nghĩ rằng thà ở trong tù còn tốt hơn”, ông cho biết.

Đức Hoàng