1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao” vắc xin Covid-19 toàn cầu

Thành Đạt

(Dân trí) - Từ các nước châu Á như Philippines hay Indonesia, cho tới các nước Mỹ Latinh và Caribe, Trung Quốc đều đưa ra cam kết về việc hỗ trợ tiếp cận vắc xin Covid-19 do Bắc Kinh sản xuất.

Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao” vắc xin Covid-19 toàn cầu - 1

Nhân viên thử mẫu vắc xin Covid-19 tại nhà máy của công ty dược Sinopharm ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Chỉ còn vài tháng trước khi Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt một loại vắc xin Covid-19 đủ an toàn cho công chúng sử dụng. Theo New York Times, Trung Quốc đang tận dụng triển vọng từ vắc xin Covid-19 để giúp nước này khôi phục các mối quan hệ bị tổn hại sau đại dịch, đồng thời xích lại gần các nước bạn bè tại những khu vực mà Trung Quốc cho là quan trọng với lợi ích của họ.

Trong cuộc điện đàm vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trấn an Tổng thống Indonesia Joko Widodo rằng Bắc Kinh sẽ “xem xét nghiêm túc những quan ngại cũng như nhu cầu của Indonesia trong việc hợp tác phát triển vắc xin”.

Ông Tập ca ngợi sự hợp tác giữa Trung Quốc và Indonesia trong việc phát triển vắc xin là “điểm sáng” trong quan hệ song phương. Ông khẳng định Trung Quốc và Indonesia sẽ “tiếp tục đoàn kết chống lại Covid-19”.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc những tuần gần đây nói rằng các nước như Nepal, Afghanistan, Pakistan và Philippines đều có thể hưởng lợi từ các vắc xin do Trung Quốc sản xuất.

Các cam kết của Trung Quốc về vắc xin Covid-19, trước đó là các lô khẩu trang và máy thở được phân phối khắp thế giới, đã giúp nước này xây dựng hình ảnh là một thành viên có trách nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang dần rút khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Các động thái trên của Bắc Kinh cũng giúp xóa bỏ cáo buộc cho rằng, Trung Quốc nên chịu trách nhiệm vì hành động chậm trễ của nước này khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái.

Năng lực phát triển và phân phối vắc xin tới các nước nghèo hơn cũng là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nước đi đầu về khoa học trong trật tự toàn cầu mới hậu đại dịch.

“Mọi người đều sẵn sàng tiêm vắc xin của Trung Quốc. Nhiều người đã yêu cầu chúng tôi chuẩn bị sẵn vắc xin càng sớm càng tốt”, Ghazala Parveen, quan chức cấp cao tại Viện Y tế Quốc gia Pakistan - nơi 2 nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc đang tiến hành các cuộc thử nghiệm, cho biết.

Sức mạnh mềm của Trung Quốc

Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao” vắc xin Covid-19 toàn cầu - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiểm tra công tác nghiên cứu vắc xin tại Viện Khoa học Quân Y ở Bắc Kinh. (Ảnh: Xinhua)

Xét trên phương diện nào đó, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về phát triển vắc xin Covid-19. Nước này có tới 4 “ứng viên” vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố các vắc xin do Trung Quốc phát triển nội địa sẽ trở thành "hàng hóa toàn cầu". Bắc Kinh từ lâu vẫn coi việc đóng góp cho hệ thống y tế toàn cầu là cơ hội để nâng cao sức mạnh mềm.

“Chính phủ Trung Quốc chắc chắn muốn thấy rằng họ đã thành công trong việc sản xuất một loại vắc xin hiệu quả và nhiều nước muốn có vắc xin này. Điều này có lợi cho ngoại giao của Trung Quốc và thay đổi quan niệm về Covid”, Jennifer Huang Bouey, nhà nghiên cứu dịch bệnh và chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức Rand Corp, nhận định.

Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại ở New York (Mỹ), nhận định hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vắc xin có thể giúp Trung Quốc nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

"Nếu Trung Quốc dùng ngoại giao vắc xin, điều này sẽ củng cố sức mạnh mềm của Trung Quốc, giúp Trung Quốc hồi sinh việc thực hiện Sáng kiến Vành đai Con đường", SCMP dẫn lời ông Huang nói.

Một số công ty sản xuất vắc xin Trung Quốc đã mang các sản phẩm ra nước ngoài để thử nghiệm lâm sàng. Điều này đã làm dấy lên tranh cãi giữa lúc có nhiều lo ngại rằng người dân địa phương tại những nơi Trung Quốc thử nghiệm vắc xin có thể bị đối xử giống như “chuột bạch”.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh phát triển các vắc xin tiềm năng và sử dụng chúng để xoa dịu những bất đồng.

Tại Philippines, nơi Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 7 nói với các nghị sĩ rằng ông đã đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình giúp đỡ trong vấn đề vắc xin. Ông Duterte cũng tuyên bố sẽ không đối đầu với Trung Quốc liên quan tới yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ Philippines trong việc ưu tiên tiếp cận vắc xin.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra những đề nghị tương tự tại châu Phi, Mỹ Latinh, Caribe, Trung Đông và Nam Á. Đây đều là những khu vực Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

“Chúng tôi cam kết rằng ngay sau khi Trung Quốc hoàn tất việc phát triển và phân phối vắc xin Covid-19, các nước châu Phi sẽ là những nước đầu tiên được hưởng lợi”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Phi hồi tháng 6.

Theo thông tin từ chính phủ Mexico, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 7 cho biết Bắc Kinh sẽ cấp 1 tỷ USD dưới hình thức các khoản vay dành cho các nước Mỹ Latinh và Caribe để mua vắc xin.

Công cụ ngoại giao?

Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao” vắc xin Covid-19 toàn cầu - 3

Vắc xin Covid-19 được trưng bày tại hội chợ ở Bắc Kinh. (Ảnh: Getty)

Trung Quốc cho đến nay vẫn kín tiếng về việc liệu nước này có kế hoạch tham gia Covax, một cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ nhằm giúp các quốc gia phân phối vắc xin Covid-19 một cách công bằng. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thẳng thừng khước từ sáng kiến này.

“Trên thực tế, chúng tôi đã hợp tác với một số nước. Trung Quốc luôn giữ lời hứa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói với các phóng viên tuần trước.

Nếu Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc đua vắc xin, Bắc Kinh sẽ phải cảm ơn một số nước vì đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Trung Quốc thử nghiệm vắc xin trên người. Các hãng dược Trung Quốc phải thực hiện nghiên cứu vắc xin ở nước ngoài vì dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát từ nhiều tháng qua.

Reuters dẫn thông báo của Tập đoàn Công nghệ sinh học Quốc gia Trung Quốc, một đơn vị thuộc công ty dược nhà nước Sinopharm, ngày 11/9 cho biết tập đoàn này đã tiêm 2 vắc xin thử nghiệm cho hàng trăm nghìn người sau khi được chính quyền Trung Quốc chấp thuận hồi tháng 7.

Tại Bangladesh, Sinovac Biotech - công ty sản xuất vắc xin có trụ sở tại Bắc Kinh đã thử nghiệm vắc xin trên 4.200 nhân viên y tế tại thủ đô Dhaka. Công ty Trung Quốc đã đồng ý cung cấp hơn 110.000 liều vắc xin miễn phí cho Bangladesh. Tuy vậy, con số này mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 170 triệu dân Bangladesh - một trong những nước nghèo nhất châu Á.

Mặc dù tham gia vào quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc, song Bangladesh vẫn lo ngại rằng phần lớn người dân nước này không đủ tiền để mua vắc xin.

Indonesia cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc xin do Sinovac sản xuất trên 1.620 tình nguyện viên. Indonesia cũng ký thỏa thuận với công ty Trung Quốc để tiếp nhận 50 triệu liều vắc xin Covid-19.

Hai công ty Trung Quốc Sinovac và Sinopharm ngày 7/9 đã trưng bày hai loại vắc xin do họ nghiên cứu, phát triển tại Hội chợ triển lãm Bắc Kinh, thu hút nhiều khách tại hội chợ. Thời báo Hoàn cầu hồi tháng trước dẫn lời một đại diện của Sinopharm cho biết giá vắc xin của Trung Quốc sẽ "không quá cao". Hai mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ không quá 200 USD.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này không tìm cách thiết lập thế độc quyền trong nguồn cung vắc xin. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng, Bắc Kinh đang sử dụng vắc xin Covid-19 như một công cụ ngoại giao, trong khi các viện nghiên cứu được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn khẳng định việc phân phối vắc xin sẽ được thực hiện trên tinh thần nhân đạo.

“Chắc chắn sẽ không có điều kiện ràng buộc đi kèm. Vì vắc xin là hàng hóa toàn cầu nên việc bổ sung bất kỳ điều kiện nào cũng làm dấy lên nghi ngờ từ bên khác”, Ruan Zongze, phó giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm