1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc "đau đầu" tính nước đi sau vụ giám đốc tài chính Huawei bị bắt

(Dân trí) - Vụ việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou theo yêu cầu của Mỹ đang đẩy Trung Quốc vào thế khó và nội bộ nước này dường như đang tranh luận về việc có nên trả đũa Washington hay không.

Bà Meng Wanzhou (Ảnh: JQK News)
Bà Meng Wanzhou (Ảnh: JQK News)

Bloomberg ngày 7/12 dẫn nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc cho biết vụ bắt giữ bà Meng đã hình thành nên 2 luồng ý kiến trái chiều trong nội bộ giới chức Bắc Kinh. Một bên cho rằng đàm phán thương mại vẫn nên tiếp diễn, trong khi bên còn lại cho rằng nên gộp việc trên cùng vụ bắt giữ bà Meng vào làm một để trả đũa Washington.

Canada ngày 5/12 xác nhận đã bắt bà Meng ngày 1/12 ở Vancouver theo yêu cầu của Mỹ khi doanh nhân này đang chờ chuyến bay. Nguyên nhân vụ bắt giữ chưa được tiết lộ, nhưng đã châm ngòi giận dữ ở Trung Quốc. Bắc Kinh yêu cầu Ottawa và Washington phải phóng thích bà Meng ngay lập tức, cáo buộc 2 quốc gia đang vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn tin nói với Bloomberg rằng trong các cuộc trao đổi giữa 7 quan chức tới từ 5 cơ quan chính phủ Trung Quốc cho thấy đã có 2 thái cực được hình thành. Một bên chủ trương tập trung vào nền kinh tế ủng hộ phương án tách rời vụ bắt giữ và việc đàm phán thương mại. Bên còn lại tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia, kêu gọi chính phủ cần có quan điểm cứng rắn với Mỹ.

Bà Meng là con gái của người sáng lập tập đoàn Huawei Ren Zhengfei. Huawei là một trong những thương hiệu có tính biểu tượng của Trung Quốc, là tập đoàn viễn thông lớn nhất nhì quốc gia này và cũng là một trong những nhân tố chiến lược trong tham vọng thống trị công nghệ của Trung Quốc.

Các quan chức quan ngại về nền kinh tế cảnh báo rằng đàm phán thương mại đổ vỡ sẽ khiến Trung Quốc tổn thương nhiều hơn là vụ bắt giữ bà Meng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo sẽ tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày kể từ ngày “đình chiến” thương mại hôm 1/12. Trong kịch bản tồi tệ nhất, khi Washington áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 1,5% còn 5%, theo Bloomberg Economics.

“Vụ bắt giữ bà Meng không phải là sự cố ngẫu nhiên và sẽ phủ bóng lên những cuộc đàm phán thương mại, nhưng cả hai bên đều sẽ cố gắng để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực. Việc đàm phán giữa 2 phía đang diễn ra khá trơn tru, và thực tế là tốt hơn những gì mà người ngoài tưởng tượng”, ông Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Thương mại, phó chủ tịch Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho biết.

Quan điểm trái ngược

Trong khi đó, những quan chức quan tâm tới vấn đề an ninh quốc gia lại nhìn nhận sự việc theo hướng khác. Theo quan điểm của họ, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhượng bộ quá mức, hình ảnh của ông sẽ trở nên “kém mạnh mẽ” hơn trong mắt công chúng. Họ cho rằng Mỹ dùng vụ bắt bà Meng là chiến thuật nhằm tạo cho Washington lợi thế hơn trong đàm phán. Các quan chức này ủng hộ quan điểm trả đũa và có thể trút giận lên các công ty Mỹ.

Một quan chức được cho là tức giận vì theo ông Huawei là một trong những niềm tự hào quốc gia của người Trung Quốc và việc tách biệt vụ bắt bà Meng ra khỏi đàm phán thương mại là rất khó để thực hiện.

Theo Bloomberg, các quan chức Trung Quốc có lý do để lo lắng về phản ứng của công chúng. Hồi những năm 1990, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã bị chỉ trích vì không đạt được thành tựu từ những cuộc đàm phán thương mại với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Vào những năm 2000, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là đã nhận được các viên thuốc chứa can-xi từ quần chúng với lời nhắn hãy dùng thuốc để có thể thẳng lưng khi đàm phán với Nhật Bản và Mỹ.

Theo ông Michael Hirson, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Eurasia Group (Mỹ), sự việc bà Meng bị bắt sẽ khiến cho chính phủ Trung Quốc khó lòng tìm ra được một phương pháp hợp lý, trọn vẹn cho cả đôi bên. Ông cho rằng Trung Quốc dù muốn cũng sẽ khó có thể nhượng bộ trong chuyện này.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc dường như thể hiện rằng họ đang tách riêng 2 sự việc. Ngày 6/12, Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói với phóng viên rằng họ đang thực hiện các thỏa thuận đã đạt được với Mỹ ngày 1/12 trong các lĩnh vực nông nghiệp, ô tô và năng lượng.

Hôm nay, 7/12, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng bác thông tin rằng Trung Quốc sẽ trả đũa các công ty Mỹ.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg