Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, phát triển mạnh công nghệ cao
(Dân trí) - Thủ tướng Lý Cường tuyên bố Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay.
Trung Quốc tuần này đã khai mạc kỳ họp thứ 2 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 14 và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) khóa 14 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, còn gọi là "lưỡng hội".
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 5/3 cho biết Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay khi nước này nỗ lực chuyển đổi mô hình phát triển, hạn chế tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực bất động sản và cắt giảm chi tiêu lãng phí của chính quyền địa phương.
Mục tiêu tăng trưởng năm nay của Trung Quốc tương tự năm ngoái nhưng sẽ cần sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn của chính phủ để Trung Quốc đạt được mục tiêu đặt ra.
Quá trình phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19 trong năm qua đã bộc lộ sự mất cân bằng cơ cấu sâu sắc của Trung Quốc, thúc đẩy kêu gọi về một mô hình phát triển mới.
"Chúng ta không nên bỏ qua những tình huống xấu nhất và nên chuẩn bị tốt cho mọi rủi ro và thách thức. Đặc biệt, chúng ta phải thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động", ông Lý nói.
Theo ông Lý, khi đặt mục tiêu tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách "đã tính đến nhu cầu tăng cường việc làm và thu nhập cũng như ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro". Ông cũng cho biết Trung Quốc duy trì hệ thống tài chính "chủ động" và chính sách tiền tệ "thận trọng".
Tăng trưởng 5% được xem là mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc trong bối cảnh thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng đều yếu. Mức tăng trưởng này cao so với các nền kinh tế phát triển, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu hơn 6% của 5 năm trước.
Lực lượng sản xuất mới
Thủ tướng Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực vào đổi mới công nghệ và sản xuất tiên tiến, phù hợp với nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình về "lực lượng sản xuất mới".
"Lực lượng sản xuất mới" là khái niệm được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào tháng 9/2023, mô tả các biện pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và nới lỏng các hạn chế tiếp cận thị trường trong các ngành dịch vụ như viễn thông và y tế.
Bắc Kinh cũng sẽ xây dựng kế hoạch phát triển cho các ngành công nghiệp mới nổi, bao gồm điện toán lượng tử, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tiếp tục nỗ lực hướng tới tự chủ về công nghệ.
Vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ
Ông Lâu Cần Kiệm, người phát ngôn kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghệ 5G, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, cuối cùng sẽ "vô ích".
"Đối với bất kỳ công nghệ nào mà con người biết đến, Mỹ không thể bóp nghẹt sự phát triển của Trung Quốc. Việc chúng tôi giành được bước tiến trong lĩnh vực này chỉ là vấn đề thời gian", ông Lâu cho biết hôm nay.
"Trung Quốc kiên định với quyết tâm tự chủ về khoa học và công nghệ. Không có trở ngại công nghệ nào là quá lớn để vượt qua miễn là chúng ta vẫn kiên trì nỗ lực", người phát ngôn nhấn mạnh.
Theo ông Lâu, phản ứng của Trung Quốc đối với chiến lược ngăn chặn của Mỹ không phải là tự cô lập mà là lời kêu gọi hợp tác và đổi mới công nghệ toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ tăng cường sáng tạo, ứng dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khoa học và công nghệ. Chúng tôi cũng sẽ tích cực tham gia vào mạng lưới đổi mới toàn cầu, cùng thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện chuyển đổi các thành tựu khoa học và công nghệ, duy trì các động lực phát triển kinh tế mới và cải thiện phúc lợi con người", ông Lâu nói thêm.
Ông nói thêm rằng các hoạt động của Nhà Trắng nhằm tìm cách tách rời, phá vỡ chuỗi cung ứng hoặc áp dụng cách tiếp cận "sân nhỏ, hàng rào cao" đối với Trung Quốc chỉ cản trở tiến bộ công nghệ toàn cầu, làm suy yếu sự phát triển công nghiệp trên toàn thế giới và mở rộng "vực sâu trong phát triển toàn cầu".