1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đáp trả chỉ trích của Mỹ về báo cáo nguồn gốc Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích Mỹ và truyền thông Mỹ sau khi Washington lên tiếng phản ứng về báo cáo liên quan tới nguồn gốc Covid-19 của WHO.

Trung Quốc đáp trả chỉ trích của Mỹ về báo cáo nguồn gốc Covid-19 - 1

Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trung Quốc (Ảnh: China Daily).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/3 đã công bố báo cáo kết quả điều tra nguồn gốc dịch Covid-19. Báo cáo là kết quả điều tra phối hợp giữa nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu và giới chức Trung Quốc trong chuyến điều tra tại tâm dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm nay. Mặc dù không đưa ra kết luận cụ thể, song báo cáo đã đánh giá mức độ xảy ra đối với 4 giả thuyết chính.

Theo báo cáo, giả thuyết virus SARS-CoV-2 "nhiều khả năng" lây sang người từ một động vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Một giả thuyết khác được đánh giá "có khả năng" là virus lây truyền từ một loại động vật mang virus corona tương tự như dơi hay tê tê. Trong khi đó, giả thuyết virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh "ít khả năng" và giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra".

Sau khi báo cáo của WHO phối hợp với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19 được công bố, Mỹ và 13 nước đã ra tuyên bố chung chỉ trích báo cáo này. Tuyên bố chung chỉ trích việc điều tra nguồn gốc đại dịch bị trì hoãn và việc nhóm chuyên gia không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu thô trong quá trình điều tra.

Mỹ và một số nước từng đưa ra giả thuyết cho rằng, virus gây đại dịch Covid-19 có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh cố tình che giấu quy mô của dịch.

Chuyên gia Trung Quốc phản bác cáo buộc của Mỹ

Theo RT, tại cuộc họp báo hôm nay 31/3, Tiến sĩ Liang Wannian, đồng chủ trì cuộc điều tra của Trung Quốc - WHO, đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về báo cáo của WHO.

"Tất nhiên, theo luật Trung Quốc, một số dữ liệu không thể được lấy đi hay chụp lại, nhưng khi chúng tôi phân tích dữ liệu cùng nhau tại Vũ Hán, mọi người đều có thể nhìn thấy dữ liệu, các dữ liệu này được xử lý cùng nhau", ông Liang cho biết.

Ông Liang cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng việc công bố báo cáo của WHO bị trì hoãn nhiều lần là hành động có chủ đích. Ông khẳng định tiến độ công bố báo cáo bị chậm là do sự cần thiết của việc phải xác minh "từng câu, từng kết luận và từng dữ liệu".

"Chúng tôi luôn đảm bảo nguyên tắc "chất lượng là trước tiên"", ông Liang nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã tạo mọi điều kiện cần thiết cho công tác điều tra của WHO, đồng thời cảnh báo ý đồ nhằm "chính trị hóa" nỗ lực xác định nguồn gốc của dịch Covid-19.

Truyền thông Trung Quốc chỉ trích truyền thông Mỹ

Trong bài xã luận được đăng tải hôm nay 31/3, Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chỉ trích Mỹ và truyền thông Mỹ vì phản ứng liên quan tới báo cáo của WHO.

"Đây là kết luận mang tính khoa học của cuộc nghiên cứu về nguồn gốc virus. Tuy nhiên, vì kết luận này không ủng hộ cáo buộc của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, nên các lực lượng cực đoan ở Mỹ rất thất vọng", bài xã luận cho biết.

Theo Thời báo Hoàn cầu, sau khi Mỹ bị đại dịch tấn công vào năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố virus xuất phát từ Trung Quốc. Để củng cố kết luận này, Mỹ còn đưa ra giả thuyết mang tính chính trị rằng virus rò rỉ từ Viện virus học Vũ Hán.

"Ngay cả khi họ đọc báo cáo của WHO, họ vẫn tung ra các nhận định mà không hề muốn tìm hiểu nội dung khoa học của báo cáo. Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ tổ chức cho các nhà khoa học Mỹ để xem xét báo cáo của WHO. Đây rõ ràng là động cơ chính trị", Thời báo Hoàn cầu nhận định.

Báo nhà nước Trung Quốc cũng chỉ trích các hãng truyền thông Mỹ vì phản đối báo cáo của WHO.

"Các phương tiện truyền thông cần có trách nhiệm đưa tin, nhưng New York Times và Wall Street Journal ngay lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ báo cáo này. Khi họ đặt lập trường chính trị của mình lên vị trí ưu tiên, họ cũng chủ động không kém các chính trị gia", Thời báo Hoàn cầu cho biết.

Theo Thời báo Hoàn cầu, đây là dấu hiệu khác cho thấy sự "xuống cấp" của các phương tiện truyền thông Mỹ.

"Họ không quan tâm đến khoa học chút nào. Tất cả những gì họ muốn là WHO tuyên bố Vũ Hán là nơi Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới. Đối với họ, sẽ còn tốt hơn nếu WHO thông báo Viện virus Vũ Hán đã làm rò rỉ virus. Với một kết luận như vậy - thậm chí là phi khoa học đi chăng nữa - những phương tiện truyền thông này sẽ biến nó trở thành khoa học", báo Trung Quốc cho biết thêm.

Thời báo Hoàn cầu chỉ trích việc truyền thông Mỹ ủng hộ quan điểm cho rằng, đội ngũ chuyên gia của WHO không được tiếp cận đầy đủ với cuộc điều tra. Theo báo Trung Quốc, nếu báo cáo của WHO được công bố muộn hơn so với dự kiến vài ngày, truyền thông Mỹ có thể "suy diễn" là Bắc Kinh không đồng tình với báo cáo của WHO.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm