1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc đang "cấm đánh bắt trong ao cá của hàng xóm"

(Dân trí) - Trung Quốc cấm tàu cá nước ngoài vào vùng biển không phải của mình "cũng giống như một nhà cấm nhà hàng xóm bắt cá trong ao của họ, trên đời này không ai làm như vậy cả. Thế giới ngày càng không tin Trung Quốc muốn phát triển hòa bình”.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí sáng ngày 11/1, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công An, bày bỏ sự phản đối mạnh mẽ của ông đối với hành động Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không gần đây trên biển Hoa Đông cũng như việc Trung Quốc cấm người nước ngoài và tàu cá nước ngoài đi vào khu vực trải rộng trên 2/3 Biển Đông mới đây.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh Nam Hằng)

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh Nam Hằng)

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, tùy theo điều kiện địa lý, thủy văn tự nhiên, một số quốc gia ven biển cấm đánh bắt cá trong khu vực lãnh thổ của họ chủ yếu để bảo vệ thủy sản và môi trường. Các nước có quyền được làm trong phạm vi 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế của mình, đó là chuyện hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên với Trung Quốc, cách làm của họ thật phi lý và phi pháp. Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc lập trên biển Hoa Đông trùm lên vùng biển đang tranh chấp, họ bắt máy bay hoạt động tại vùng phòng không này phải thông báo, liên lạc thường xuyên.

Bình luận về việc cấm tàu cá trên vùng biển của tỉnh Hải Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, Trung Quốc lại tiếp tục áp dụng trong vùng biển của quốc gia khác là hoàn toàn phi lý và phi pháp, vì thế họ mới bị phản đối. Việc Mỹ cho rằng giới hạn đánh bắt cá của Trung Quốc gây hấn là hoàn toàn đúng. Việt Nam chúng ta cũng kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc.


 “Việc làm ấy của Trung Quốc không thể chấp nhận được..
. Trong nhà anh, anh muốn làm gì thì làm chứ anh không thể cấm tôi bắt cá trong ao nhà tôi được, tôi có "sổ đỏ" là 200 hải lý được thừa nhận theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982. Vụ Trung Quốc cấm đánh cá vừa rồi cũng giống như một nhà cấm nhà hàng xóm bắt cá trong ao của họ.”

“Việt Nam phản đối việc làm sai trái ấy là hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc làm vậy chỉ làm xấu thêm bộ mặt của mình với thế giới vì thế giới càng ngày càng không tin rằng Trung quốc mong muốn phát triển hòa bình,” ông nhấn mạnh.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, năm 2003, Trung Quốc phô ra chủ trương trỗi dậy hòa bình, nhưng sau đó thiên hạ sợ cái cách mà Trung Quốc phát triển hòa bình, rồi Trung Quốc tuyên bố rằng họ không xâm phạm công việc nội bộ của nước nào cả, không xâm phạm chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào nhưng việc họ làm trái với điều họ tuyên bố với hàng loạt việc phi pháp.

Việc “thất hứa” ấy thể hiện ở hàng loạt các hành động phi pháp như hành động phá cáp quang của tàu Viking II vào ngày 26/5/20011 và cắt cáp quang của tàu Binh Minh II của Việt Nam vào ngày 9/6/2011. Tiếp đó, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa vào ngày 22/6/2012, bao chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngay sau hôm đó vào ngày 23/6, Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định: “Tất cả những việc làm đó nhằm hiện thực hóa việc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa và đều đi ngược lại tuyên bố và lời nói của họ. Chính vì thế, thiệt hại lớn nhất đối với Trung Quốc là mất uy tín với cộng đồng quốc tế.”

Theo ông, phương châm đối ngoại 5.000 năm của Trung Quốc gói gọn trong 4 chữ “mềm nắn, rắn buông". Phía Việt Nam các nước khác trong ASEAN cần có thái độ kiên quyết rõ ràng thì Trung Quốc sẽ phải cẩn thận trong hành động, còn nếu lùi thì Trung Quốc lại lấn át.
 
“Chúng ta không chống Trung Quốc nhưng phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình,” ông cho hay.
Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm