1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc củng cố vị thế tại Trung Đông khi Mỹ mất dần ảnh hưởng

Nguyên Long

(Dân trí) - Trung Quốc đang tích cực củng cố vai trò và vị trí ở Trung Đông, trong bối cảnh Mỹ dần đánh mất ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này.

Trung Quốc củng cố vị thế tại Trung Đông khi Mỹ mất dần ảnh hưởng  - 1

(Từ trái sang phải) Các đại diện của Iran, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út tại Bắc Kinh ngày 10/3 (Ảnh: China Daily).

Sau nhiều nỗ lực đàm phán khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út từ tháng 4/2021 cũng như vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc, ngày 10/3, Iran và Ả Rập Xê Út đã hái được "quả ngọt" khi hoàn thành việc ký kết thỏa thuận khôi phục quan hệ song phương. Thỏa thuận bao gồm việc nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán và phái bộ trong vòng hai tháng; sự khẳng định của Tehran và Riyadh về tôn trọng chủ quyền và không can thiệp chuyện nội bộ của các nước, cũng như việc đồng ý kích hoạt thỏa thuận hợp tác an ninh ký kết năm 2001 và một hiệp ước trước đó về thương mại, kinh tế và đầu tư.

Các nhà phân tích chính trị đánh giá, đây không chỉ một bước phát triển theo chiều hướng tích cực giúp chấm dứt tình trạng rạn nứt quan hệ suốt 7 năm giữa Tehran và Riyadh mà còn cho thấy những bước phát triển mới đang dần định hình trong trật tự địa chính trị ở một khu vực vốn đầy những xung đột, đồng thời tạo ra các tác động sâu rộng đối với tình hình chính trị quốc tế. Việc Iran và Ả Rập Xê Út bình thường hóa quan hệ dưới sự trung gian hòa giải của Trung Quốc cũng đang phần nào góp phần định hình một trật tự mới ở Trung Đông.

Vì sao là Trung Quốc chứ không phải Mỹ?

Iran và Ả Rập Xê Út đã chọn Trung Quốc làm trung gian hòa giải bởi họ tin rằng họ sẽ được hưởng lợi. Hơn nữa, sự lựa chọn này cũng là dấu hiệu cho thấy các nỗ lực thực hiện chính sách đối ngoại đa chiều của cả Tehran và Riyadh.

Đối với Iran, Tehran hoan nghênh vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông vì giúp làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như chế độ trừng phạt do Mỹ lãnh đạo đã làm tê liệt nền kinh tế đất nước này. Hơn nữa, Iran hiểu rằng, mối quan hệ tốt hơn với các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ giúp giảm bớt mối đe dọa cho họ từ Hiệp định Abraham (do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian vào năm 2020), nhất là sau các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại gần đây với chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng như tình trạng bất an từ các cuộc biểu tình chính trị trong nước, sự hiện diện ngày càng tăng của Israel ở Azerbaijan và Iraq, hay chính phủ cánh hữu mới của Israel ngày càng sẵn sàng dự tính chiến tranh để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.

Đối với Ả Rập Xê Út, thỏa thuận hòa giải do Bắc Kinh làm trung gian sẽ giúp tạo ra một sự thay đổi chiến lược táo bạo hơn. Hiện nay, quan hệ giữa Riyadh và Washington đang ở mức thấp lịch sử khi Riyadh tin rằng, Mỹ từng là đồng minh đáng tin cậy và vững chắc của lại đang tập trung vào các ưu tiên khác và không có kế hoạch rõ ràng cho an ninh khu vực, nhất là sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran bị đình trệ và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018.

Hơn nữa, việc giảm căng thẳng với Tehran sẽ giúp Riyadh giảm bớt nỗi ám ảnh về khả năng phòng thủ, từ đó giúp họ có thêm thời gian củng cố an ninh và đa dạng hóa các lựa chọn chiến lược. Mục tiêu đầy tham vọng của Ả Rập Xê Út là trở thành một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, trung tâm văn hóa và du lịch vào năm 2030.

Để hiện thực hóa tham vọng đó, họ cần sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, an ninh và công nghệ của Israel, thương mại với châu Âu và Trung Quốc cũng như ổn định trong nước. Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út muốn có một mối quan hệ chặt chẽ và độc lập với cả Mỹ, Trung Quốc và Nga; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong khu vực, cân bằng với Ai Cập, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ an ninh của chính mình cũng như nâng cao tầm ảnh hưởng khu vực.

Một trật tự địa chính trị mới đang dần định hình?

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường quan hệ với tất cả các cường quốc trong khu vực mà không đứng về bên nào hoặc vướng vào các cuộc xung đột giữa các quốc gia Ả Rập. Họ đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Iran, Israel và Ả Rập Xê Út trong khi vẫn trung lập về các cuộc tranh cãi giữa các quốc gia này. Trung Quốc không có hiệp ước phòng thủ với bất kỳ cường quốc Trung Đông nào và không duy trì các căn cứ quân sự trong khu vực, họ dựa vào ảnh hưởng kinh tế hơn là quân sự. Cách tiếp cận này đã cho phép Trung Quốc nổi lên như một người chơi có thể giúp giải quyết tranh chấp trong khu vực.

Khu vực Trung Đông vốn rất quan trọng với sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) của Trung Quốc, do đó, họ cần phải đảm bảo rằng các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Ả Rập Xê Út không bị tên lửa của nhóm vũ trang Houthi đe dọa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã liên tục mở rộng dấu ấn kinh tế của mình ở Iran. Bắc Kinh cũng quan tâm đến việc hỗ trợ kế hoạch của Nga nhằm phát triển một hành lang quá cảnh qua Iran, cho phép thương mại của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu mà không cần sử dụng kênh đào Suez. Sự phát triển của hành lang này cũng sẽ cho phép Trung Quốc vượt qua eo biển Malacca khi đối mặt với hạm đội của Mỹ và đồng minh đang xây dựng.

Các nhà phân tích chính trị đánh giá, Trung Quốc vốn cẩn trọng để tránh vướng vào vấn đề chính trị và an ninh vốn đầy phức tạp ở Trung Đông, tuy nhiên, lợi ích ngày càng lớn của họ trong khu vực đã thúc đẩy việc đảm nhận vai trò ngoại giao tích cực hơn trong khu vực.

Chính sự hội tụ các lợi ích an ninh chiến lược rộng lớn hơn của cả Iran và Ả Rập Xê Út cũng như Trung Quốc cho thấy một thực tế địa chính trị mới có thể đang dần thành hình ở Trung Đông.

Về mặt địa chính trị, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Tehran và Riyadh sẽ liên quan đến một khu vực địa lý rộng lớn từ Li Băng - nơi Iran và Ả Rập Xê Út đã hỗ trợ các lực lượng chính trị khác nhau, đến Jordan và Bahrain - những quốc gia cũng có thể tìm cách nối lại quan hệ với đối thủ lâu năm của họ là Iran. Thỏa thuận cũng có thể thúc đẩy việc nối lại quan hệ ở Syria nơi mà cả Tehran và Riyadh đã luôn phản đối nhau trong suốt hơn một thập niên qua. Trên thực tế, Ả Rập Xê Út có thể từ bỏ sự phản kháng của họ đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm đổi lấy sự nhượng bộ của Iran ở Yemen hoặc Li Băng.

Thỏa thuận Iran - Ả Rập Xê Út cũng có nghĩa là hai bên sẽ nỗ lực giảm bớt sự thù địch trong lĩnh vực thông tin. Chẳng hạn, một trong những kết quả dự kiến của thỏa thuận là Ả Rập Xê Út sẽ giảm hoặc thay đổi hoàn toàn thông điệp tiêu cực thông qua hãng tin nói tiếng Farsi Iran International, được cho là do Riyadh tài trợ. Tương tự, sự nhượng bộ của Ả Rập Xê Út cũng sẽ mở đường cho một sự thay đổi tương tự trong luận điệu chống Riyadh trên các phương tiện truyền thông do nhà nước Iran kiểm soát.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, bước ngoặt chính trị lớn này ở Trung Đông đang đặt ra thách thức lịch sử với Mỹ bởi họ không còn có thể đơn giản yêu cầu các đồng minh Ả Rập tách khỏi Trung Quốc hay cùng hợp sức để chống lại Iran nữa. Cách tiếp cận này đã lỗi thời và không phù hợp với nhu cầu hiện tại của các đồng minh Ả Rập. Do đó, trong ngắn hạn Mỹ nên hoan nghênh vai trò trung gian của Trung Quốc ở Trung Đông bởi nó giúp giảm căng thẳng ở thế giới Ả Rập, từ đó giúp Mỹ có thêm không gian địa chính trị để tập trung cho các ưu tiên toàn cầu khác mà không cần phải "giả vờ" cam kết kiên định với khu vực.

Vẫn còn không ít thách thức

Việc mở các đại sứ quán là một yếu tố quan trọng của việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như việc giải phóng tài sản kinh tế và tài chính của nhau trong ngành dầu khí, tạo thuận lợi cho thương mại song phương và thậm chí cả tiềm năng đầu tư của Ả Rập Xê Út vào Iran. Ả Rập Xê Út có thể sẽ vẫn thận trọng trong thời điểm hiện tại vì chưa rõ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ tác động như thế nào đến hoạt động tài chính giữa hai bên.

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn là chương trình hạt nhân của Iran vẫn chưa được giải quyết. Đây rõ ràng là nỗi canh cánh không chỉ của Ả Rập Xê Út hay các quốc gia Ả Rập mà còn của cả Mỹ và cộng đồng quốc tế. Rõ ràng, một khi vấn đề hạt nhân vẫn chưa được giải quyết thì căng thẳng vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Thỏa thuận bình thường hóa giữa Riyadh và Tehran rất quan trọng vì giúp kiến tạo các tác động tích cực tiềm tàng với khu vực từ Li Băng và Syria đến Iraq và Yemen, đồng thời cho thấy  một môi trường tích cực và một trật tự địa chính trị mới đang dần thành hình trên "vùng đất nóng" này. Hơn nữa, việc Trung Quốc giúp hàn gắn quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út còn cho thấy, Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống địa chính trị mà Mỹ để lại ở Trung Đông bằng không gian ngoại giao, qua đó ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Việc gắn kết giữa Iran và Ả Rập Xê Út sẽ tạo nền tảng căn bản cho các mối quan hệ đan xen phức tạp ở vùng đất vốn đầy những xung đột và còn là phép thử cho quan hệ nội bộ giữa các quốc gia Ả Rập với thế giới trong thời gian tới.