1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc công khai thách thức cả ông Obama và Trump khi thu giữ tàu lặn của Mỹ

(Dân trí) - Khi thu giữ một thiết bị lặn không người lái của Hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Philippines hôm 15/12, Trung Quốc đang tung một lời thách thức nhằm vào cả chính quyền sắp mãn nhiệm Obama và chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, một chuyên gia Mỹ nhận định.


Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama (Ảnh: NBC)

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama (Ảnh: NBC)

Mặc dù các thông tin trên báo chí vẫn còn sơ sài nhưng dường như một tàu hải quân Trung Quốc đã tới đủ gần một tàu khảo sát biển của Mỹ để điều một tàu nhỏ nhằm thu giữ một tàu lặn nghiên cứu khoa học trong khi tàu Mỹ đang chuẩn bị thu hồi nó. Điều đó đồng nghĩa với sự hăm dọa cấp độ tàu với tàu, chứ không phải một hành động kiểu bắt-và-chiếm tại các vùng biển biệt lập.

CNN dẫn lời chuyên gia Mỹ Michael Auslin cho rằng, giống như vào năm 2009, khi Trung Quốc quấy rối tàu USNS Impeccable của Mỹ ở Biển Đông, hành động mới nhất cũng diễn ra đối với một nghiên cứu không vũ khí của Mỹ. Nhưng lần này, Trung Quốc rõ ràng đã coi thường luật pháp quốc tế, và trái phép tịch thu một tài sản của Mỹ, đồng thời có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của các binh sĩ Mỹ trên biển, ông Auslin nhấn mạnh.

Một hành động leo thang như vậy là khác thường và giới chức Mỹ nên hiểu rằng Bắc Kinh giờ đây dường như sẵn sàng thực hiện các hành động ngày càng rủi ro. Hành động gây hấn mới nhất có thể là một phần nhằm đáp trả các bình luận gần đây của Tổng thống đắc cử Trump về Trung Quốc, Đài Loan và chính sách “Một Trung Quốc”.

Cùng lúc đó, thách thức mới nhất diễn ra vào thời điểm mối quan hệ đang xấu đi giữa chính quyền Obama và Trung Quốc, trong đó có thông tin Bắc Kinh đang quân sự hóa nhanh chóng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Trên các đảo nhân tạo này, Trung Quốc đã đặt các hệ thống phòng không trong một động thái có thể là tiền đề cho việc sở hữu các khả năng vũ khí tấn công. Đáp lại, các lãnh đạo quân đội Mỹ đã đưa ra các bình luận thẳng thắn về lợi ích quốc gia của Mỹ nhằm duy trì các vùng biển mở và tự do. Những bình luận này đã cho Bắc Kinh thấy rằng Washington sẽ không ngồi yên nếu Trung Quốc gây hấn tại các vùng biển ở châu Á.

Chính quyền Obama có trách nhiệm giải quyết

Cho tới ngày 20/1, khi ông Obama vẫn tại vị, chính quyền của ông có trách nhiệm phải phản hồi. Động thái của Trung Quốc khiến Tổng thống Obama có hai lựa chọn: làm ngơ trước sự gia tăng các hành động gây hấn của Trung Quốc, hoặc phản ứng mạnh mẽ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, dù ông Obama có hành động thế nào thì gần như chắc chắn là diễn biến của vụ việc này sẽ tiếp diễn trong chính quyền mới, vì ngày tổng thống đắc cử nhậm chức đang tới rất gần.

Mỹ đã chính thức yêu cầu Trung Quốc trả lại thiết bị lặn, nhưng các phản ứng ngoại giao sẽ không đủ. Mặc dù Trung Quốc có khả năng sẽ trả lại thiết bị sau vài ngày nhưng một phản ứng yếu ớt của Mỹ sẽ chỉ khuyến khích Bắc Kinh gia tăng sự gây hấn. Chính quyền Obama cần cho thấy rõ rằng nếu thiết bị lặn không được trả lại, một loạt các hành động trả đũa sẽ diễn ra như giảm các liên lạc quân sự và loại hải quân Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận hải quân RIMPAC, cân nhắc các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội và từ chối visa cho các quan chức cấp cao.

Nếu những hành động gây hấn tương tự tái diễn, Washington nên cho thấy rằng Mỹ sẽ tiếp tục hành động cứng rắn hơn, bao gồm gia tăng hỗ trợ trực tiếp đối với các quốc gia đang đối mặt với sức ép của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ như tăng cường hợp tác quân sự và gia tăng cung cấp thiết bị. Và quan trọng là Washington phải duy trì sự hiện diện liên tục tại các vùng biển tranh chấp, trong có các hoạt động tự do hàng hải gần khu vực do Trung Quốc chiếm đóng.

Cả hai bên nên tránh một tình huống nơi những cái đầu lạnh bị cảm xúc dâng cao lấn át. Nguy cơ về một sự cố giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc hoặc khi Trung Quốc bắt nạt một quốc gia châu Á nhỏ hơn, có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng thực sự và thậm chí là xung đột vũ trang. Mặc dù dường như sẽ mạo hiểm khi hành động chống lại Trung Quốc vào lúc này, nhưng Washington có thể không còn lựa chọn về sau, hoặc Mỹ sẽ buộc phải chấp nhận sự sụt giảm đáng kể về uy tín của mình tại châu Á. Đơn giản là Mỹ hành động chỉ nhằm chấm dứt sự bắt nạt và duy trì sự ổn định tại vùng biển bận rộn nhất của thế giới.

Ông Trump cần sẵn sàng đối phó

Dù chính quyền Obama có hành động thế nào thì nhóm của ông Trump cũng nên chuẩn bị cho nhiều hành động ngày càng khó dự đoán của Trung Quốc, vốn được thiết kế nhằm buộc tổng thống mới phải rút lại ý định thách thức hiện trạng trong quan hệ Mỹ - Trung. Lúc này nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump nên suy nghĩ về cách thức phản ứng đối với các thách thức tương tự từ Trung Quốc, nếu không sẽ có nguy cơ bị kéo vào thế phòng thủ, và có thể phản ứng thái quá đối với một đối thủ liều lĩnh.

Mục tiêu là không dồn Trung Quốc vào một ngõ cụt hay khiến họ tiếp tục gây hấn, mà thay vào đó là điều ngược lại. Bắc Kinh phải hiểu rằng các hành động vô cớ và gây hấn như vậy sẽ gặp phải câu trả lời. Nếu không, Trung Quốc sẽ nhận thông điệp sai lệch và tiếp tục thách thức chính phủ Mỹ. Trung Quốc có thể có tính toán sai lầm hoặc hành động của nước này sẽ trở nên không thể chấp nhận được, gây ra phản ứng mạnh hơn từ phía Mỹ. Một phản ứng quyết đoán của Mỹ vào lúc này là phương án tốt nhất nhằm ngăn ngừa một vòng tròn thách thức "ăn miếng trả miếng" ngày càng tồi tệ.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm