1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc có thể đặt điều kiện để trả lại tàu lặn của Mỹ

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là sẽ đặt điều kiện để trả lại thiết bị lặn không người lái của Mỹ mà Bắc Kinh thu giữ mới đây, như yêu cầu Washington ngừng hoạt động giám sát ở Biển Đông, các nhà phân tích nhân tích nhận định.


Một tàu lặn không người lái của Mỹ (Ảnh: USNS)

Một tàu lặn không người lái của Mỹ (Ảnh: USNS)

Bắc Kinh ngày 15/12 đã thu giữ một tàu lặn của Mỹ tại vùng biển quốc tế ngoài khơi Vịnh Subic của Philippines. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 16/12 đã gọi việc thu giữ này là phi pháp và yêu cầu Trung Quốc trả lại ngay lập tức thiết bị này.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cuối ngày 17/12 nói rằng Mỹ đã gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc sẽ trả lại thiết bị lặn thuộc về tàu khảo sát đại dương Bowditch của Mỹ “trong một cách thức phù hợp”.

Yuan Zheng, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói với Thời báo Hoa nam Buổi sáng rằng thông qua vụ việc này Bắc Kinh có thể muốn cho Washington thấy sự bất bình về các hoạt động do thám gần của Mỹ ở Biển Đông.

Zhang Zhexin, một giáo sư từ Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận định dự kiến phải mất khoảng 10 ngày để thiết bị lặn được trả lại.

Ngoài việc yêu cầu Mỹ dừng hoạt động do thám, Bắc Kinh cũng có thể yêu cầu Mỹ mở rộng bộ quy tắc đối với các cuộc đối đầu bất ngờ trên biển sang các thiết bị không người lái dưới nước

“Trung Quốc lo ngại rằng sẽ có thêm các hành động của Mỹ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Bắc Kinh có thể yêu cầu mở rộng bộ quy tắc đối với các cuộc đối đầu bất ngờ trên biển sang các thiết bị không người lái dưới nước”, ông Zhang nói.

Bộ quy tắc hiện thời bao gồm một bộ các quy định hoạt động tiêu chuẩn - được thiết kế để giảm thiểu tối đa các cuộc đối đầu bất ngờ trên biển, nhưng chưa có quy định nào liên quan tới các thiết bị không người lái dưới nước.

Mỹ đã chính thức phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu trả lại thiết bị, mà Washington nói chỉ là một tàu lặn đại dương được dùng để thu thập dữ liệu về độ mặn. Trong khi đó, Bắc Kinh lại nói rằng việc thu giữ là hợp pháp và thiết bị lặn có thể liên quan tới hoạt động hàng hải và sự an toàn của con người.

Trung Quốc lo Mỹ dùng tàu lặn để do thám tàu ngầm

Trong khi đó, tờ People’s Daily dẫn lời Zhang Huang, một giáo sư từ Đại học quốc phòng quốc gia thuộc quân đội Trung Quốc, cho hay thiết bị lặn có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về các hành động hải quân của Trung Quốc và hoạt động di chuyển chi tiết của các tàu ngầm Trung Quốc.

Còn tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng thiết bị lặn bị thu giữ có thể đã thu thập các thông tin tình báo giá trị và Mỹ nên ngừng các hoạt động do thám ở Biển Đông.

“Đây không phải lần đầu tiên chúng ta thu giữ một thiết bị không người lái dưới nước của Mỹ ở Biển Đông, nhưng thiết bị lần này là mới là tiên tiến hơn trước đó và có thể chứa thông tin giá trị vừa mới thu thập được ở Biển Đông”, Li Jie, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu ngày 18/12.

Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan (Hong Kong), cho rằng thiết bị lặn có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về các yếu tố như dòng chảy, độ mặn, và cũng có thể là các tín hiệu dưới nước đặc biệt từ các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.

“Việc sử dụng có thể có hàm ý quân sự. Nó có thể được dùng để theo dõi các lộ trình tiềm tàng của các tàu ngầm Trung Quốc”, ông Zhang nói. “Thứ hai là nó có thể được sử dụng để dò tìm và theo dõi các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. Thiết bị lặn là một phần trong tác chiến chống ngầm của Mỹ”.

Antony Wong Dong, một nhà quan sát quân sự tại Macau, nói dữ liệu mà tàu lặn thu thập được có vai trò quan trọng với Mỹ trong việc vẽ bản đồ hành động quân sự ở Biển Đông.

“Nếu Mỹ muốn gia tăng do thám nhằm vào Trung Quốc, hoặc thậm chí thực hiện một kế hoạch chiến đấu, Mỹ có thể sử dụng dữ liệu cập nhật được thu thập từ các thiết bị lặn này”, ông Dong nói. “Dữ liệu sẽ rất hữu ích cho việc do thám nhằm vào các tàu ngầm Trung Quốc và đối với việc lên kế hoạch cho tàu ngầm Mỹ trong khu vực”.

Trung Quốc sẽ không chuyển cho Mỹ thông tin tàu lặn thu thập được?

Chuyên gia Li Jie cũng lưu ý, khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ trả lại cho Mỹ thiết bị lặn “theo một cách thức thích hợp”, ông này có thể ngụ ý rằng thông tin mà thiết bị thu thập được ở Biển Đông sẽ không được chuyển lại cho Mỹ, “dù Washington có vui vẻ với chuyện đó hay không”.

Theo ông Li, một số thiết bị lặn không thể truyền thông tin khi vẫn ở dưới nước.

Ông Dong cho rằng việc thu giữ tàu ngầm là một động thái của Trung Quốc nhằm gửi một tín hiệu tới ông Trump, người đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn chống lại Bắc Kinh.

Vụ việc có thêm một diễn biến mới hôm 18/12 khi Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại thiết bị lặn mà họ đánh cắp - hãy để họ giữ nó”.

Bình luận về động thái trên, ông Li nói với Thời báo Hoàn cầu: “Ông Trump, người nói “Trung Quốc đánh cắp” thiết bị lặn của họ, nên biết rằng họ mới là những kẻ cắp đang thực hiện việc do thám quanh cửa của chúng tôi”.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm