Trung Quốc chỉ trích Mỹ sau cuộc điều trần của CEO TikTok
(Dân trí) - Bắc Kinh kêu gọi Washington ngừng đưa ra các cáo buộc vô căn cứ nhằm các công ty Trung Quốc, sau phiên điều trần của CEO TikTok trước Quốc hội Mỹ.
"Chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng TikTok đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/3.
Bà Mao nhấn mạnh Bắc Kinh "không bao giờ yêu cầu các công ty hoặc cá nhân vi phạm luật pháp của nước sở tại để thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc".
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng sự cạnh tranh công bằng và xây dựng một môi trường không phân biệt đối xử cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới để đầu tư và hoạt động", bà Mao nói thêm.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew xuất hiện đầu tiên trước Quốc hội Mỹ hôm 23/3 để điều trần về các cáo buộc liên quan mạng xã hội này.
Các nhà lập pháp Mỹ đã chất vấn giám đốc điều hành của TikTok trong 5 giờ về nhiều vấn đề, từ việc liệu Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của 150 triệu người dùng TikTok ở Mỹ hay không, cho đến việc bảo vệ trẻ em khỏi nội dung độc hại về ma túy và tự tử.
TikTok - ứng dụng video do công ty ByteDance của Trung Quốc phát triển - đang khiến giới chức nhiều nước phương Tây lo ngại rằng dữ liệu người dùng có thể bị rò rỉ và đe dọa đến lợi ích an ninh của họ.
Nhà Trắng hôm 27/2 yêu cầu tất cả cơ quan liên bang xóa ứng dụng TikTok của công ty Trung Quốc trên mọi thiết bị của chính phủ Mỹ trong vòng 30 ngày.
Tuần trước, TikTok cho biết các quan chức Mỹ yêu cầu các chủ sở hữu người Trung Quốc bán cổ phần, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ứng dụng này tại Mỹ vì các lo ngại về bảo mật.
Tại phiên điều trần, CEO TikTok liên tiếp phủ nhận cáo buộc ứng dụng này chia sẻ dữ liệu hay có bất kỳ liên hệ nào với chính phủ Trung Quốc. Ông Chew nhấn mạnh, TikTok trong 2 năm qua đã xây dựng một "bức tường lửa" để bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ trước nguy cơ bị nước ngoài tiếp cận trái phép.