1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc: Chạy tiền để thành đại biểu dân cử

Không ít lãnh đạo các tập đoàn Trung Quốc hối lộ quan chức để gian lận phiếu bầu hòng trở thành ông nghị, bà nghị. Rốt cục, một loạt lãnh đạo cấp tỉnh bị điều tra, ngã ngựa.

Trịnh Ngọc Chước.
Trịnh Ngọc Chước.

Ngày 8/9, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo: “Qua thẩm tra, xác minh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để lập án điều tra đối với ông Trịnh Ngọc Chước, Phó chủ tịch Đại hội Đại biểu nhân dân (tức HĐND) tỉnh Liêu Ninh do có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ, phá hoại bầu cử. Công tác thẩm tra vụ án đang được tiến hành”.

Không phải đến nay, việc Trịnh Ngọc Chước bị khởi tố về tội “phá hoại bầu cử” mới gây chú ý. Từ mấy tháng nay, vụ án gian lận phiếu bầu trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12, bầu cử đại biểu và phó chủ tịch Ủy ban thường vụ HĐND tỉnh khóa 12, thậm chí bầu cử Ban thường vụ tỉnh ủy tại Liêu Ninh gây chấn động Trung Quốc.

Trước đó đã có 4 vị lãnh đạo tỉnh mất chức về vụ này, gồm có Tô Hồng Chương - Ủy viên thường vụ tỉnh ủy kiêm Bí thư Ủy ban Chính Pháp tỉnh ủy; Vương Dân - nguyên Bí thư tỉnh ủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục và khoa học của Quốc hội; Vương Dương - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Trần Thiết Tân - nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp (mặt trận) tỉnh.

Tờ Tân Kinh (The Beijing News) đưa tin, tất cả các quan chức này đều liên quan vấn đề gian lận bầu cử. Theo các thông báo kỷ luật, Tô Hồng Chương “hoạt động phi tổ chức, hối lộ, chạy phiếu trong giới thiệu và bầu cử”; Vương Dương “hoạt động phi tổ chức, hối lộ chạy phiếu trong bầu cử”. Tất cả những người này đều có trách nhiệm lãnh đạo và chịu trách nhiệm trực tiếp trong vấn đề gian lận phiếu bầu và hối lộ chạy phiếu trong các cuộc bầu cử tại Liêu Ninh.

Theo tư liệu chính thức, Trịnh Ngọc Chước (SN 1955) trải qua các chức Cục phó, Trưởng phòng Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Liêu Ninh; Giám đốc Sở Giao thông; Giám đốc Sở Tài chính. Sau 17 năm là cán bộ cấp phòng, sở, năm 2013 được bầu làm Phó chủ tịch HĐND tỉnh. Ngày 26/8, Trịnh Ngọc Chước bị khai trừ đảng tịch và chức vụ công.

Thông báo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) nêu rõ: “Trịnh Ngọc Chước đã vi phạm kỷ luật chính trị, kỷ luật tổ chức, nhận tiền và hiện vật để làm trò gian lận phiếu bầu, tranh thủ mua phiếu cho người khác; vấn đề nhận tiền và hiện vật có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ; việc mua phiếu, gian lận phiếu có dấu hiệu phạm tội phá hoại bầu cử”.

Vương Dân từ Bí thư thị ủy Phụ Tân trở thành Phó chủ tịch HĐND tỉnh vào tháng 1/2013. Theo mạng Tài Tân, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12 diễn ra từ tháng 12/2012 đến 1/2013 tại Liêu Ninh đã diễn ra vấn đề hối lộ để gian lận phiếu bầu nghiêm trọng.

Cả nước có 2.987 đại biểu Quốc hội khóa 12 được bầu, tỉnh Liêu Ninh bầu 102 đại biểu (94 đại biểu của tỉnh, 8 người do trung ương đưa về), có hơn 10 người bị nghi ngờ trúng cử do chạy tiền gian lận, 8 đại biểu đã bị điều tra, trong đó Vương Xuân Thành - Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành đã bị bãi bỏ tư cách; Cao Bảo Ngọc - Chủ tịch Tập đoàn công ty cảng vụ Doanh Khẩu đang bị điều tra; hơn 10 người liên quan vụ án chạy tiền trong bầu cử đang bị tập trung điều tra.

Trong bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, bầu các phó chủ tịch Ủy ban thường vụ HĐND tỉnh và Ban thường vụ tỉnh ủy cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Khi doanh nhân muốn thành ông nghị, bà nghị

Theo Tài Kinh, HĐND tỉnh Liêu Ninh khóa này có 619 người, “đa số đã bị Tổ chuyên án gian lận bầu cử tiến hành điều tra, có người bị điều tra tới hơn 10 lần. Để được trở thành đại biểu nhân dân, họ đã dùng nhân dân tệ, đô la Mỹ và vàng để chạy. Một số ông chủ các tập đoàn, công ty có thực lực mạnh không tiếc tiền hối lộ các quan chức để trở thành ông, bà nghị”.

Vương Dân.
Vương Dân.

Trước đơn thư của cán bộ, người dân tố cáo hiện tượng chạy tiền, mua phiếu gian lận để trúng cử trong ba cuộc bầu cử, tháng 4/2014, một tổ tuần thị (thanh tra) của UBKTKLTW về nằm vùng tại Liêu Ninh, nhanh chóng phát hiện ra vấn đề “chạy chọt lãnh đạo khi đề bạt bổ nhiệm, dùng tiền chạy phiếu khá nghiêm trọng”.

Tháng 10/2014, Liêu Ninh có “báo cáo chỉnh đốn sửa chữa” gửi tổ tuần thị, trong đó viết: “Tổ đảng Ủy ban thường vụ HĐND tỉnh đã nghiêm túc, thận trọng tự kiểm điểm, sửa chữa những vấn đề vi phạm kỷ luật trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 1/2013”. Khi đó Vương Dân đang là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; còn Vương Dương và Trịnh Ngọc Chước đang là Phó chủ tịch HĐND.

Tháng 2/2016, Tổ Tuần thị trung ương quay lại ra đòn “hồi mã thương”, tái thanh tra 4 tỉnh, trong đó có Liêu Ninh. Đoàn do nguyên Bí thư UBKTKL thành ủy Bắc Kinh và nguyên Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Vân Nam phụ trách. Kết quả của cuộc tái thanh tra này là từ tháng 3/2016 đến nay, 4 quan chức cỡ bự của Liêu Ninh lần lượt ngã ngựa. Trước đây, tại Hoành Dương (Hồ Nam) và Miên Dương (Tứ Xuyên) cũng diễn ra nạn chạy tiền trong bầu cử. Tại thành phố Hoành Dương có hơn 400 trong số 500 người ra tranh cử bị xử lý do hối lộ quan chức. Tổng số tiền tang vật thu giữ được là hơn 110 triệu nhân dân tệ (385 tỷ đồng).

Dư luận Trung Quốc cho rằng, với việc các quan chức chịu trách nhiệm chính về bầu cử bị quật ngã, tới đây, việc điều tra về gian lận bầu cử ở Liêu Ninh mới có thể tiến triển thuận lợi, có thể sẽ có thêm “hổ lớn” lộ mặt.

Theo Thu Thủy (tổng hợp)

Tiền Phong