Trung Quốc cảnh báo Mỹ "đùa với lửa" nếu bán vũ khí cho Đài Loan
(Dân trí) - Trung Quốc cảnh báo Mỹ không bán vũ khí cho Đài Loan sau khi Bloomberg đưa tin hòn đảo này sẽ mua thêm 400 tên lửa hành trình diệt hạm Harpoon từ Washington.
"Một số lực lượng ở Mỹ tìm cách sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Đây là những hành động rất nguy hiểm, không khác nào đùa với lửa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/4.
"Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và ba thông cáo chung, chấm dứt liên kết quân sự và bán vũ khí cho hòn đảo, đồng thời ngừng đưa ra các vấn đề có thể gây mâu thuẫn ở eo biển Đài Loan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 7/4 công bố một hợp đồng trị giá 1,17 tỷ USD nhằm bán tên lửa chống hạm Harpoon được phóng từ đất liền cho một khách hàng giấu tên. Lầu Năm Góc cho biết toàn bộ số tên lửa này sẽ được hoàn thành và bàn giao trong tháng 3/2029.
Hôm 17/4, trang tin Bloomberg của Mỹ tiết lộ "khách hàng bí ẩn" của thương vụ trên là Đài Loan. Phản ứng trước thông tin này, Lầu Năm Góc từ chối xác nhận trực tiếp, nhưng khẳng định "Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan duy trì năng lực phòng thủ một cách phù hợp".
Trước đó, vào năm 2020, Đài Loan đã công bố kế hoạch mua thêm các tên lửa chống hạm Harpoon do nhà thầu quốc phòng Boeing sản xuất nhằm tăng cường khả năng tự vệ của hòn đảo.
Harpoon được biết đến là một trong những loại tên lửa chống hạm thành công nhất trên thế giới và đang được biên chế cho lực lượng vũ trang của hơn 30 quốc gia. Được triển khai lần đầu tiên vào năm 1977 với vai trò là hệ thống tên lửa chống hạm trong mọi điều kiện thời tiết, Harpoon sử dụng quỹ đạo bay lướt trên mặt biển ở tầm thấp với sự điều hướng của radar dẫn đường chủ động.
Với đầu đạn nổ nặng 227kg, hỏa lực của "sát thủ diệt hạm" Harpoon có thể gây thiệt hại nặng nề cho nhiều loại tàu chiến hạng nặng của đối phương. Hồi giữa năm 2022, Mỹ đã cung cấp nhiều tổ hợp Harpoon được đặt trên xe tải quân sự cho Ukraine để bảo vệ khu vực Biển Đen của nước này trong xung đột với Nga.
Căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang sau chuyến thăm Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8/2022. Một số phái đoàn gồm các nhà lập pháp và thống đốc Mỹ cũng có các chuyến đi đến Đài Loan. Trung Quốc coi những chuyến thăm này là hành động khiêu khích, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ủng hộ phe ly khai Đài Loan.
Bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh, Washington hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự chính cho Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ lực.