Trung Quốc cảnh báo công dân không tới Séc
(Dân trí) - Trung Quốc cảnh báo công dân không tới Séc, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ song phương sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện Séc.
Trong thông báo ngắn gọn ngày 12/9, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo công dân nước này “không nên tới Séc” vì “các dấu hiệu bùng phát nhanh chóng đại dịch Covid-19”.
Séc từng được ca ngợi vì đã xử lý thành công đại dịch Covid-19. Tuy nhiên đầu tuần này, Séc lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày, buộc các nhà chức trách phải siết chặt quy định đeo khẩu trang trong nhà.
Trung Quốc đã hạn chế phần lớn hoạt động xuất cảnh kể từ tháng 3 do dịch Covid-19. Mặc dù Bắc Kinh viện dẫn lý do liên quan tới số ca nhiễm tăng vọt để giải thích cho việc khuyến cáo người dân không tới Séc, song cảnh báo đi lại được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil có chuyến thăm chính thức tới Đài Loan.
Ông Vystrci ngày 30/8 đã dẫn đầu phái đoàn gồm 90 người bắt đầu chuyến thăm tới Đài Loan. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của các quan chức chính phủ Séc tới Đài Loan trong lịch sử quan hệ song phương.
Trong bài phát biểu trước cơ quan lập pháp Đài Loan hôm nay 1/9, Chủ tịch Hạ viện Séc thậm chí tuyên bố ông là “người Đài Loan"
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Thượng viện Séc vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc khi thực hiện chuyến thăm chính thức tới Đài Loan, cảnh báo ông Vystrci sẽ phải “trả giá đắt cho hành vi nông cạn” của mình.
Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, việc thách thức nguyên tắc Một Trung Quốc tương đương với việc “tự biến mình thành kẻ thù của 1,4 tỷ dân Trung Quốc”. Ông Vương cũng cho biết chính phủ và người dân Trung Quốc sẽ không dung thứ cho “sự khiêu khích công khai” của Chủ tịch Thượng viện Séc và các lực lượng chống Trung Quốc phía sau ông Vystrcil.
Tương tự hầu hết các quốc gia khác, Cộng hòa Séc không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Chính quyền của Tổng thống Séc Milos Zeman thậm chí tìm cách thúc đẩy mối quan hệ chính trị và thương mại với Trung Quốc kể từ khi nhận nhiệm sở vào năm 2013. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị cản trở bởi các kế hoạch đầu tư bất thành và việc Séc dao động với kế hoạch cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển hệ thống mạng viễn thông 5G ở nước này.
Séc là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Âu đối với khách du lịch Trung Quốc. Ước tính có khoảng 612.000 du khách Trung Quốc đến thăm Séc vào năm 2019. Theo số liệu từ chính phủ Séc, Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn thứ 4 tại nước này, sau Đức, Slovakia và Ba Lan.
Theo SCMP, ngày càng nhiều công dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu tới thăm các điểm du lịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng sử dụng du khách của nước này như một biện pháp để gây sức ép với các chính phủ nước ngoài.
Hồi tháng 6, Trung Quốc cảnh báo công dân nước này không tới Australia vì tình trạng gia tăng số vụ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc và người châu Á do đại dịch Covid-19. Các nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra dẫn chứng cụ thể, song khuyến cáo được cho là phản ứng của Bắc Kinh sau khi Australia kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19.
Trung Quốc cũng từng thực hiện động thái tương tự với Hàn Quốc hồi năm 2016, sau khi Seoul quyết định cho phép Mỹ đặt một hệ thống tên lửa trên lãnh thổ. Việc Bắc Kinh khuyến cáo công dân không tới Hàn Quốc đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ngành công nghiệp du lịch của Hàn Quốc.
Tháng 11/2017, Trung Quốc từng ngăn các nhóm du lịch tới Palau nhằm gây sức ép buộc quốc đảo Thái Bình Dương chuyển đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục.