1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc “căng mình” ứng phó thảm họa lũ lụt

(Dân trí) - Cuộc chiến với lũ lụt khủng khiếp nhất trong nhiều thập niên tại Trung Quốc đã bước vào giai đoạn quan trọng khi mưa lớn khiến mực nước tại thượng nguồn sông Trường Giang tiếp tục tăng cao.

Trung Quốc “căng mình” ứng phó thảm họa lũ lụt  - 1

Cảnh sát chuyển một bé gái tới nơi an toàn tại Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: EPA)

Theo Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc, lưu lượng nước đổ vào đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang dài nhất châu Á đã chạm mức 61.000 m3/giây vào sáng 18/7, đẩy mực nước ở hồ chứa Tam Hiệp lên 160 mét.

Mực nước tại hồ chứa Tam Hiệp đã tăng gần 12 mét trong 10 ngày qua và gần chạm mức tối đa 175 mét theo thiết kế của đập.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/7 cho biết các nỗ lực kiểm soát tình hình lũ lụt đang bước vào giai đoạn quan trọng, khi những trận mưa lớn nhất có xu hướng rơi vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tại khu vực miền trung và nam Trung Quốc.

Ông Tập cũng cảnh báo về lũ lụt trên sông Hoàng Hà, con sông dài thứ 2 tại Trung Quốc.

Hơn 20 triệu người tại 24 tỉnh, gồm Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh và Quý Châu, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong những tuần gần đây. Theo thống kê của Bộ Quản lý Khẩn cấp, ít nhất 23 người gần đây được báo cáo là đã chết hoặc mất tích và hơn 1,7 triệu người buộc phải di dời do lũ lụt.

Thiệt hại kinh tế do lũ lụt tại Trung Quốc đã lên tới gần 50 tỷ Nhân dân tệ (7,1 tỷ USD), tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt lũ mới nhất là tỉnh Hồ Bắc, nơi vài tháng trước từng là tâm dịch Covid-19. 15 thành phố tại Hồ Bắc đã kích hoạt các biện pháp kiểm soát lương thực khẩn cấp.

Tại Hồ Bắc, các máy bay trực thăng cỡ lớn đã được triển khai để đổ hàng tấn cát và sỏi lên đê để tránh nguy cơ bị vỡ đê do lũ lụt.

Trung Quốc “căng mình” ứng phó thảm họa lũ lụt  - 2

Đền 700 tuổi chìm trong nước lũ tại Hồ Bắc. (Ảnh: Xinhua)

Ngày 17/7, phần lớn thành phố Ân Thi, nơi có 400.000 dân tại tỉnh Hồ Bắc, bị ngập lụt do mưa lớn và mực nước trên sông Thanh Giang liên tục dâng cao. Giới chức thành phố đã 3 lần nâng mức độ ứng phó khẩn cấp trong chưa đầy 5 giờ đồng hồ.

“Tình hình thực sự khó khăn với chúng tôi. Một thành phố nhỏ như chúng tôi vẫn còn nghèo và lạc hậu. Khi vừa sống sót qua đại dịch, chúng tôi phải cố gắng quay lại làm việc và sản xuất, rồi đến bây giờ chúng tôi lại phải đương đầu với lũ lụt”, một người dân Ân Thi viết trên mạng xã hội Weibo.

Cơ quan quản lý khẩn cấp Hồ Bắc ngày 18/7 cho biết, 7 thành phố trong tỉnh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt kể từ ngày 16/7. 3 người được báo cáo đã chết và người thứ tư vẫn mất tích. Hơn 38.000 người phải di dời nơi ở, trong đó 22.000 người là người dân thành phố Ân Thi.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết mưa lớn sẽ tiếp tục tàn phá Hồ Bắc, An Huy, Hà Nam, Hồ Nam và Quý Châu vào cuối tuần này, với lượng mưa dự kiến từ 100 mm tới 180 mm.

Trong khi đó, các nhà chức trách ở Giang Tây ngày 18/7 đã sửa xong 180 mét đê vỡ gần hồ Bà Dương sau 5 ngày nỗ lực. Hồ Bà Dương là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc.

Ở vùng thượng lưu sông Trường Giang, Trùng Khánh đang chuẩn bị cho tình hình lũ lụt tồi tệ nhất trong mùa.

Vào đêm 17/7, giới chức phụ trách giao thông đường thủy tại Trùng Khánh đã đưa ra cảnh báo về đi lại và áp đặt các biện pháp kiểm soát giao thông tạm thời để ngăn chặn các tàu chở hàng nguy hiểm, container và các tàu khác có tổng trọng tải dưới 600 tấn đi vào các khu vực nhất định của sông Trường Giang.

Theo cơ quan quản lý di sản văn hóa Trung Quốc, tính đến ngày 16/7, hơn 500 di tích văn hóa tại 11 tỉnh đã bị thiệt hại do lũ lụt.

Thành Đạt

Theo SCMP