Trung Quốc - Canada căng thẳng vì chính sách “ngoại giao chiến lang”
(Dân trí) - Giới quan sát cảnh báo, phong cách “ngoại giao chiến lang” mà Trung Quốc áp dụng với Canada gần đây có thể sẽ phản tác dụng, khi Ottawa ngày công khai đáp trả mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Canada và Trung Quốc hồi giữa tháng này kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Ottawa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại giữa 2 nước.
Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Cong Peiwu ngày 15/10 đã có những tuyên bố gây tranh cãi về những người Canada đang ở Hong Kong. Ông Cong cáo buộc Canada ủng hộ “những tội phạm bạo lực” khi cấp quy chế tị nạn cho một số người biểu tình ở Hong Kong.
Ông Cong cũng cảnh báo rằng “sức khỏe và an toàn” của 300.000 người Canada ở Hong Kong có thể gặp phải mối đe dọa nếu Ottawa không ủng hộ các nỗ lực của Bắc Kinh. Khi được yêu cầu làm rõ về tuyên bố này, ông Cong nói: “Quý vị hãy tự suy ra”.
Theo SCMP, phát biểu trên là ví dụ mới nhất cho phong cách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc. Thuật ngữ này ám chỉ việc Bắc Kinh triển khai “đội quân” gồm các nhà ngoại giao với tiếng nói ngày càng cứng rắn để bảo vệ lập trường của nước này, cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc áp dụng phong cách ngoại giao này với Canada có thể gây ra “tác dụng phụ”.
Chính phủ Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công khai đáp trả lại một cách cứng rắn trước động thái của ông Cong, theo SCMP.
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne đã chỉ trích phát biểu của ông Cong là “đáng lo ngại và không thể chấp nhận”. Thủ tướng Trudeau cáo buộc Trung Quốc dùng chiến lược “cưỡng ép ngoại giao” và khẳng định Canada sẽ bảo vệ những điều chính đáng, bao gồm cả “tình hình đáng lo ngại ở Hong Kong”. Ông Champagne sau đó cũng triệu tập Đại sứ Cong để “làm rõ rằng Canada sẽ luôn bảo vệ quyền con người và quyền của người dân Canada trên toàn thế giới”.
Lãnh đạo phe đối lập Canada Erin O’Toole, trong khi đó, yêu cầu ông Cong xin lỗi hoặc có thể bị trục xuất khỏi quốc gia châu Mỹ.
Tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland hôm 19/10 cho rằng phát ngôn của ông Cong “không phù hợp trong bất cứ quan hệ ngoại giao nào”.
Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc David Mulroney nhận định có những dấu hiệu cho thấy Ottawa đang ngày càng trở nên kiên quyết hơn trong lập trường với Trung Quốc. Ông Mulroney cho rằng phát biểu của ông Cong là hành động “thách thức công khai” với Canada.
Canada và Trung Quốc đang vướng mắc trong một số vấn đề như vụ Ottawa bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ hay vụ Bắc Kinh bắt 2 công dân Canada vì cáo buộc gián điệp - động thái được xem là đáp trả vụ bà Mạnh. Ngoài ra, Canada cũng bất đồng quan điểm với Trung Quốc về vấn đề Hong Kong sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới lên đặc khu.
Trung Quốc sau đó cho hay phát biểu của ông Cong đã bị hiểu sai ý, nhưng Bắc Kinh vẫn đưa ra thông điệp tương tự khi “phản đối việc Canada mở quy tắc tị nạn chính trị cho những tội phạm bạo lực ở Hong Kong” cũng như yêu cầu “Canada dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Giới quan sát cho rằng các bình luận của ông Cong gây nên tác động tiêu cực với Trung Quốc tới công chúng Canada. Vào cuối tháng 7, một cuộc thăm dò của Research Co cho thấy chỉ có 21% người Canada có quan điểm tích cực về Trung Quốc. Con số này đã giảm 6% so với tháng 1.
Với tình hình hiện tại, chính phủ Canada được cho có thể sẽ thêm cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tới, thay vì ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong những phát biểu có hơi hướng ngoại giao “chiến lang”.