Trung Quốc cân não trong "ván bài" Nga - Ukraine
(Dân trí) - Đằng sau những cánh cửa đóng kín ở Trung Nam Hải, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã thảo luận về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine để không làm tổn hại đến lợi ích của mình.
Giữa lúc cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang đáng lo ngại, tại Trung Quốc, cơ quan quyền lực nhất, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, hầu như hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, đằng sau những cánh cửa đóng kín tại Bắc Kinh, một chủ đề được thảo luận căng thẳng là làm thế nào để ứng phó với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và hỗ trợ Moscow mà không làm tổn hại đến lợi ích của chính Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận ở Trung Nam Hải đã diễn ra trong hơn một tuần, từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin trở về Moscow sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình và tham dự khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 4/2.
Các cuộc thảo luận kéo dài bất thường cho thấy các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh coi đây là công việc tế nhị và cấp bách, bất chấp lập trường công khai ủng hộ Nga của ông Tập.
Bắc Kinh ủng hộ Moscow trong việc phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO, đánh dấu sự ủng hộ rõ ràng nhất cho đến nay của Trung Quốc đối với Điện Kremlin trong vấn đề này. Tuyên bố chung giữa ông Tập và ông Putin trong chuyến thăm hôm 4/2 cũng thể hiện sự liên kết chặt chẽ nhất giữa hai nước kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Với việc các nhà lãnh đạo cấp cao nhất đang tập trung tại Trung Nam Hải khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đang diễn ra sôi nổi, các cuộc thảo luận của giới chức Bắc Kinh bàn về cả các vấn đề mang tính nguyên tắc lẫn thực tiễn.
Bất kỳ quyết định nào của Ban thường vụ Bộ Chính trị cũng sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng, và cuộc thảo luận của họ sau đó sẽ được trình bày trước toàn thể Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, dự kiến được triệu tập vào cuối tháng này.
Lập trường chính sách đối ngoại lâu đời của Trung Quốc, được Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra ngay sau khi thành lập nước nằm trong "năm nguyên tắc chung sống hòa bình", là không tán thành sự can thiệp của bất kỳ quốc gia nào vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Bắc Kinh cũng hiểu rằng việc liên kết quá chặt chẽ với Nga, đặc biệt về vấn đề an ninh châu Âu, có thể dẫn tới nhiều nguy cơ. Khi đó, các nước châu Âu có thể "mếch lòng" và nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ.
Điều đó giúp giải thích lý do tại sao Trung Quốc chưa từng công khai công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga, hoặc hoàn toàn ủng hộ Moscow khi triển khai lực lượng tới Kazakhstan vào đầu năm nay để dập tắt tình trạng bất ổn ở quốc gia Trung Á này.
Hôm 16/2, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập Cận Bình bất ngờ đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên về vấn đề Ukraine kể từ sau chuyến thăm của ông Putin.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi sử dụng các kênh đối thoại như Bộ tứ Normandy, một kênh ngoại giao được thành lập vào năm 2014, để chấm dứt chiến sự ở Ukraine mà các thành viên là Đức, Nga, Ukraine và Pháp đạt được nhằm tìm kiếm "giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine".
Bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh
Theo WSJ, ở cấp độ thực tế hơn, Bắc Kinh cảm thấy cần phải bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh của riêng mình tại khu vực. Đáng chú ý, Ukraine là một thành viên của sáng kiến Vành đai, con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh.
Các công ty cơ khí, điện và xây dựng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc trong những năm gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án ở quốc gia Đông Âu này. Trong số đó, có một nhà cung cấp dầu ăn, máy móc và lò phản ứng hạt nhân lớn.
Vào cuối năm 2020, Bắc Kinh và Kiev đã đồng ý tăng cường hợp tác Vành đai, con đường, với việc Phó Thủ tướng Lưu Hạc phụ trách kinh tế, cam kết thúc đẩy "quan hệ song phương ổn định và lành mạnh" với Ukraine.
Trung Quốc cũng đã và đang xây dựng một mạng lưới đường ống rộng lớn ở Trung Á để đảm bảo nguồn cung cấp dầu và khí đốt, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung. Nhiều quốc gia thuộc dự án đường ống này là thành viên cũ của Liên Xô.
Ông Carl Minzner, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York (Mỹ), cho rằng: "Một tiền lệ can thiệp của Nga vào các vùng đất thuộc Liên Xô cũ sẽ làm tăng mối nguy đối với các đường ống dẫn dầu của Trung Quốc ở Trung Á".
Ngoài ra, kịch bản Nga can thiệp vào các vùng đất thuộc Liên Xô cũ khả năng làm ảnh hưởng đến những nỗ lực lâu dài của Trung Quốc: thay thế Moscow để trở thành cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất.
Ông Minzner lưu ý, sự "cân não" của Bắc Kinh được thể hiện rõ trong cách đưa tin của phương tiện truyền thông nhà nước: đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh đã cấp vũ khí cho Ukraine và thổi phồng các mối đe dọa từ Nga, nhưng lặp lại lập trường chính thức của Ukraine về sự cần thiết phải đàm phán.
Trong khi đó, sau khi Washington vào cuối tuần trước cảnh báo về một cuộc động binh sắp xảy ra của Nga và rút các nhà ngoại giao Mỹ khỏi Đại sứ quán ở Kiev, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine vẫn hoạt động như bình thường.
Cho đến nay, sự trợ giúp hữu hình nhất mà Bắc Kinh dành cho Moscow là liên quan đến các hợp đồng mua dầu và khí đốt từ Nga, giá trị ước tính khoảng 117,5 tỷ USD, và sẽ kéo dài hơn 20 năm. Điều khoản của giao dịch không được tiết lộ.
Một số quan chức tại Bắc Kinh đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của việc có hợp lý hay không khi ký hợp đồng dài hạn như vậy giữa lúc giá dầu thế giới đang lên cao. Một cố vấn chính phủ nói rằng Bắc Kinh có thể cố gắng đàm phán các điều khoản thuận lợi hơn cho mình.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang cân nhắc rủi ro về các hạn chế tài chính và thương mại từ Washington nếu Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để giúp Nga né các lệnh trừng phạt khi xảy ra chiến tranh. Bởi thực tế thì các ngân hàng Trung Quốc vẫn phải dựa vào mạng lưới tài chính toàn cầu để thực hiện giao dịch xuyên biên giới.
Giáo sư Sergey Radchenko về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins ở Bologna, Italy nhận định rằng: "Trung Quốc ủng hộ Nga trong việc chống lại sự mở rộng của NATO, vì điều đó không ảnh hưởng gì. Nhưng việc Trung Quốc giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây nếu tấn công Ukraine lại là điều hoàn toàn khác", WSJ dẫn lời ông Radchenko.