Trung Quốc "cắm rễ" sâu ở Campuchia
Cảng nước sâu Trung Quốc đầu tư ở Campuchia có thể đón tiếp cả tàu khu trục và có thể được sử dụng như một căn cứ quân sự trong tương lai.
Hỗ trợ Hải quân
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa đang có chuyến thăm chính thức tới Campuchia (từ ngày 16-19/6) với cam kết sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Campuchia thêm 130 triệu USD và tăng cường huấn luyện cho Quân đội Hoàng gia Campuchia, trong đó có việc tiếp tục cuộc tập trận Rồng Vàng (Golden Dragon) vào năm 2019.
Chiều 18/6, ông Ngụy Phụng Hòa đã có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Cung Hòa bình. Trợ lý Thủ tướng Campuchia, Eang Sophalleth cho biết Thủ tướng Hun Sen đã nhấn mạnh rằng việc tăng cường quan hệ Campuchia- Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, đã được lãnh đạo hai nước khẳng định qua các thỏa thuận cấp cao, đó sự hợp tác hành động trong các vấn đề chứ không chỉ là những lời nói cho đẹp lòng nhau.
Trước đó, ngày 17/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia cuộc tập trận Rồng Vàng (Golden Dragon) với Quân đội Hoàng gia Campuchia vào năm 2019.
Về phần mình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có mặt tại Campuchia để tăng cường hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trên lĩnh vực quốc phòng.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, ông Ngụy Phụng Hòa nhấn mạnh rằng lĩnh vực quốc phòng là tối quan trọng với an ninh, chủ quyền của đất nước.
Sau cuộc hội đàm, ông Tea Banh nêu rõ: “Tướng Ngụy Phụng Hòa tuyên bố sẽ trao một gói viện trợ cho Campuchia trị giá 130 triệu USD. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận Rồng Vàng vào năm tới”.
Ông Tea Banh cũng nói thêm rằng Campuchia sẽ đón nhận sự giúp đỡ của Hải quân Trung Quốc để tăng cường kinh nghiệm tác chiến trên biển cho Hải quân Campuchia.
Binh sĩ Trung Quốc đến Campuchia tham gia cuộc tập trận Rồng vàng 2018
Dự kiến vào ngày 19/6, ông Ngụy Phụng Hòa sẽ đồng chủ trì khai mạc triển lãm quân sự Campuchia - Trung Quốc tại đảo Koh Pich ở thủ đô Phnom Penh.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia và Trung Quốc dường như trái ngược với chiều hướng quan hệ giữa Campuchia và Mỹ. Campuchia đã từ chối các cuộc tập trận thường niên với Mỹ và Australia vào năm 2017 với lý do tập trung bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử xã-phường 2017 để tiến tới bầu cử Quốc hội 2018. Thế nhưng ngay đầu năm 2018, Campuchia đã cùng Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận chung Rồng Vàng và nay tuyên bố sẽ tiếp tục vào năm 2019.
Mỹ cũng đã rút hầu hết các cam kết viện trợ cho Campuchia, trong đó có các ngân khoản dành cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia với lý do không hài lòng về cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia vào ngày 29/7 tới.
Mới đây nhất, Mỹ đã cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản tại Mỹ đối với Thống tướng Hing Bun Heng, Phó Tư lệnh quân đội hoàng gia kiêm tư lệnh đơn vị bảo vệ của thủ tướng (PMBU).
Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/6 nhấn mạnh, ông Hing Bun Hieng "đã trực tiếp liên quan đến các cuộc tấn công chống lại một số cá nhân, bao gồm một công dân Mỹ".
Phía Mỹ cũng thông báo đã có “danh sách đen” các quan chức và tướng lĩnh Campuchia và sẽ lần lượt công bố.
Giới phân tích cho rằng việc Campuchia mời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến thăm để ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng chỉ một tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra cho thấy Campuchia đang điều chỉnh chính sách đối ngoại “dựa” vào Trung Quốc.
Cắm rễ sâu rộng
Ngoài lĩnh vực quân sự, Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác với Campuchia về nhiều mặt, đặc biệt là việc đầu tư vào hạ tầng của quốc gia Đông Nam Á này với các dự án xây dựng cảng biển, sân bay.
Theo tờ Thời báo châu Á, năm 2008, Tập đoàn Phát triển Liên minh Thiên tân (UDG) đã được Chính phủ Campuchia cho thuê khu vực trải dài trên khoảng 20% diện tích vùng duyên hải của quốc gia này trong thời hạn 99 năm với giá 30 USD mỗi hecta.
Hiệp hội Xây dựng Campuchia ước tính dự án “Khu Thí điểm” tại tỉnh Koh Kong có tổng số vốn đầu tư ở vào khoảng 3,8 tỷ USD và sân bay vẫn chưa được xây dựng dự kiến có khả năng đón tiếp khoảng 10 triệu lượt khách mỗi năm.
Hình ảnh đồ họa dự án "Khu Thí điểm" tại Koh Kong được đăng tải trên tờ Bưu điện Phnom Penh
Dự án này được cho là bao gồm việc xây dựng một nền kinh tế gần như toàn diện, với các trung tâm chăm sóc y tế, các cơ sở quản lý của chính quyền, các khu nghỉ dưỡng và khách sạn, các hạ tầng sản xuất, một cảng nước sâu và cả một sân bay quốc tế.
Mặc dù giới chức Campuchia coi đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng hiện có ý kiến cho rằng dự án thực chất là một đặc khu kinh tế dành cho các lao động, giới chủ và du khách Trung Quốc.
Giới phân tích cảnh báo nếu dự án tại Koh Kong chỉ là khởi đầu cho hàng loạt dự án tương tự, Campuchia sẽ phải hy sinh các lợi ích kinh tế dài hạn, và thậm chí là cả chủ quyền, khi Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để biến Campuchia thành căn cứ triển khai các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Riêng cảng nước sâu tại Koh Kong được nhìn nhận như một phần trong kế hoạch thiết lập các căn cứ hải quân trên khắp khu vực của Trung Quốc, trong khi Campuchia phải đánh đổi bằng những thiệt hại về con người, môi trường và thu nhập.
Tập đoàn Phát triển Liên minh Thiên tân thậm chí còn được sử dụng cả trực thăng ở Campuchia
Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp Trung Quốc thường chỉ thuê nhân công người Trung Quốc, thay vì nhân công địa phương trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô, và các doanh nghiệp Trung Quốc là những người được lợi nhiều nhất.
Cũng theo tờ Thời báo châu Á, lao động Trung Quốc đang “tràn ngập” ở Campuchia, trong đó có tỉnh Preah Sihanouk. Trong số hơn 6.385 người nước ngoài xin giấy phép lao động ở Sihanoukville vào đầu năm nay, người Trung Quốc chiếm khoảng 70%, tức 4.498 là người.
Một số nguồn tin không chính thức nói rằng số người Trung Quốc hiện ở Sihanoukville là khoảng 75.000 người.
Trong khi đó, hãng phân tích C4ADS của Mỹ đưa ra cảnh báo xa hơn khi cho rằng cảng nước sâu tại Koh Kong, với khả năng đón tiếp cả các tàu khu trục và tàu chiến, có thể được sử dụng như một căn cứ quân sự trong tương lai.
Theo Thành Minh
Báo Đất việt