Trung Quốc cấm nhập thịt từ công ty Mỹ vì lo Covid-19
(Dân trí) - Sau khi Trung Quốc cấm nhập thịt từ một nhà máy Mỹ cũng như ban hành các quy định mới với các nhà xuất khẩu thực phẩm vì lo ngại Covid-19, Washington đã lên tiếng phản pháo.
Giới chức Mỹ ngày 25/6 đã phát đi thông báo chỉ trích quy định mới của Trung Quốc cho các công ty xuất khẩu thực phẩm rằng những đơn vị này phải ký văn bản thể hiện họ cam kết sẽ tuân thủ các điều kiện an toàn để ngăn Covid-19 lây lan.
“Nỗ lực của những quốc gia nhằm giới hạn thị trường xuất khẩu thực phẩm liên quan tới Covid-19 không đồng nhất với những hiểu biết khoa học về nguyên nhân truyền bệnh”, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue và Ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nói trong tuyên bố chung.
Theo Bloomberg, các chuyên gia cho rằng thực phẩm có rất ít mối đe dọa lây lan virus corona.
Trước đó, Trung Quốc đã ban lệnh cấm vận chuyển gia cầm từ nhà máy của công ty Tyson Foods, sau khi công ty này thông báo có công nhân mắc Covid-19 tại cơ sở ở Arkansas. Trong khi đó, cơ quan hải quan Trung Quốc nói rằng các công ty thịt từ Anh, Đức, Brazil đã tình nguyện dừng vận chuyển một số lô hàng vì lo ngại dịch bệnh.
“Ổ dịch” Covid-19 mới bùng phát ở Bắc Kinh được Trung Quốc truy vết ra từ thớt của một người bán cá hồi nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ quan y tế Trung Quốc nói rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy cá hồi là nguồn gốc hoặc vật trung gian truyền virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, cá hồi cũng bị loại khỏi các siêu thị tại Trung Quốc.
Ông Perdue và ông Hahn nói rằng “không có bằng chứng cho thấy con người có thể lây Covid-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm”.
Theo Bloomberg, trong khi các công ty thịt Brazil và châu Âu đã ký cam kết với Trung Quốc cho thấy họ tuân thủ các quy định an toàn, nhiều nhà xuất khẩu Mỹ cho tới nay vẫn ngần ngại ký kết vì lo ngại trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra do quy định của Bắc Kinh không dựa trên cơ sở khoa học.
Tyson Foods hôm 23/6 là công ty lớn đầu tiên của Mỹ xác nhận đã ký giấy chứng nhận.
Trong khi đó, Australia vào cùng ngày viện dẫn khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng “lây lan mầm bệnh qua thực phẩm rất hiếm khi xảy ra và không có bằng chứng nào cho tới lúc này cho thấy Covid-19 lây theo đường này".
Theo nguồn thạo tin, động thái của Trung Quốc dường như không nhằm mục đích hạn chế thương mại mà là nhằm xoa dịu quan ngại của người tiêu dùng về mức độ an toàn của thực phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng động thái của Bắc Kinh có thể làm chậm lại cam kết sẽ mua 36,5 tỷ USD nông sản từ Mỹ của Trung Quốc trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 nước.
Đức Hoàng
Theo Bloomberg