1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc bị nghi xây hơn 200 cấu trúc ở biên giới tranh chấp với Bhutan

Thanh Thành

(Dân trí) - Những hình ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng khu định cư dọc theo biên giới tranh chấp với Bhutan, với hơn 200 cấu trúc mới.

Trung Quốc bị nghi xây hơn 200 cấu trúc ở biên giới tranh chấp với Bhutan - 1

Hình ảnh vệ tinh của Maxar chụp hồi tháng 10/2021 cho thấy công trình Trung Quốc xây dựng ở biên giới tranh chấp với Bhutan (Ảnh: Maxar).

Reuters dẫn các hình ảnh vệ tinh cho thấy có hơn 200 cấu trúc, bao gồm cả các tòa nhà hai tầng, đang được xây dựng tại 6 địa điểm khác nhau.

Các hình ảnh và phân tích do công ty phân tích dữ liệu HawkEye 360 của Mỹ cung cấp cho Reuters, sử dụng vệ tinh để thu thập thông tin tình báo về các hoạt động trên mặt đất, và được hai chuyên gia khác xác minh, cho thấy cái nhìn chi tiết về hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc dọc biên giới với Bhutan.

Chris Biggers, Giám đốc ứng dụng tại HawkEye 360, cho rằng hoạt động liên quan đến xây dựng ở một số địa điểm dọc theo biên giới phía tây của Bhutan đã được tiến hành kể từ đầu năm 2020. Trong đó ban đầu, Bắc Kinh chỉ làm đường mòn và khai hoang các khu vực, dựa trên tài liệu do công ty hình ảnh vệ tinh Capella Space và Planet Labs cung cấp.

Các hình ảnh cho thấy công việc này được tăng tốc vào năm 2021. Các cấu trúc nhỏ hơn được dựng lên, có thể là nơi chứa thiết bị và vật tư, tiếp theo là hoạt động xây nền móng và sau đó là xây các tòa nhà cao hơn, ông Biggers nói thêm.

6 khu định cư nghi nằm trong lãnh thổ tranh chấp

Hai chuyên gia khác đã nghiên cứu vị trí của công trình xây dựng mới và các bức ảnh vệ tinh gần đây do Capella Space chụp cho thấy, tất cả 6 khu định cư dường như nằm trong lãnh thổ tranh chấp của Trung Quốc và Bhutan, bao gồm cả một khu vực tranh chấp rộng khoảng 110 km2, vốn nghèo tài nguyên và dân cư thưa thớt.

Phản ứng trước các thông tin trên, Bộ Ngoại giao Bhutan cho biết chính sách của nước này là không phát biểu công khai về các vấn đề biên giới,  và từ chối bình luận thêm.

Các chuyên gia và một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, việc xây dựng cho thấy Trung Quốc đang cố gắng tăng cường các yêu sách biên giới bằng cách biến những tham vọng thành hành động cụ thể. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, các hoạt động xây dựng này "hoàn toàn nhằm mục đích cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân địa phương".

"Việc thực hiện các hoạt động xây dựng bình thường trên lãnh thổ của mình là thuộc chủ quyền của Trung Quốc", bộ trên nói và cũng từ chối bình luận thêm.

Các ngôi làng cũng mang lại cho Bắc Kinh một số giá trị chiến lược, hai trong số các chuyên gia nói. Công trình mới cách khu vực Doklam ở ngã ba biên giới của Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc từ 9-27 km, nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã bế tắc trong hơn 2 tháng vào năm 2017.

Theo một chuyên gia và nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, các khu định cư sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát và giám sát tốt hơn các khu vực xa xôi và có khả năng sử dụng chúng để thiết lập các cơ sở tập trung vào an ninh.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ không phản hồi đề nghị bình luận về vụ việc.

Trong gần 4 thập niên qua, Bhutan, quốc gia có chưa đến 800.000 dân, liên tục đàm phán với Bắc Kinh để giải quyết biên giới dài 477 km của họ. Vấn đề đối với Bhutan không chỉ là sự toàn vẹn lãnh thổ mà còn là mối quan tâm về các tác động an ninh tiềm tàng đối với Ấn Độ, đồng minh và đối tác kinh tế chính của vương quốc Himalaya này.

Bộ Ngoại giao Bhutan cho biết chính quyền nước này và Trung Quốc đã nhất trí trong vòng đàm phán biên giới gần đây nhất vào tháng 4/2021 là đẩy nhanh quá trình giải quyết những khác biệt. Tuy nhiên, bộ này từ chối thảo luận về các chi tiết của kế hoạch mà chỉ cho biết: "Tất cả các vấn đề đều được thảo luận giữa Bhutan và Trung Quốc trong khuôn khổ Đàm phán Ranh giới".

Trung Quốc đang củng cố quyền kiểm soát và cải thiện cơ sở hạ tầng

Theo Reuters, các khu định cư dường như là một phần của kế hoạch mà Bắc Kinh đã công khai vào năm 2017 nhằm xây dựng hơn 600 ngôi làng ở các khu vực biên giới trong Khu tự trị Tây Tạng (TAR), nằm ở phía Trung Quốc của biên giới tranh chấp, Barnett và M. Taylor Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết.

Chuyên gia Fravel cho hay, việc xây dựng cho thấy Trung Quốc có khả năng muốn củng cố quyền kiểm soát và cải thiện cơ sở hạ tầng ở các khu vực biên giới.

Một số ngôi làng gần biên giới được xây dựng ở những nơi chưa từng được xây dựng trước đây. Ông Barnett cho biết chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho cư dân đến định cư ở đó. Ông nói: "Tất cả các ngôi làng xuyên biên giới ở khu vực phía tây Bhutan đều nằm trong những khu vực mà không có người dân bản địa vì những khu vực này hầu như không có người ở".

Việc kiểm soát cao nguyên Doklam xa xôi còn có khả năng giúp Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn với khu vực "Cổ gà" liền kề, một dải đất chiến lược nối Ấn Độ với khu vực đông bắc của nước này.

Ấn Độ có đường biên giới dài 3.500 km với Trung Quốc. Quân đội của cả hai nước vẫn được triển khai ở đây và thường đụng độ. Nguồn tin giấu tên của quốc phòng Ấn Độ cho biết, nước này đã theo dõi chặt chẽ việc xây dựng của Trung Quốc dọc theo biên giới.