1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc - bài toán "đau đầu" của tổng thống Mỹ kế tiếp

An Bình

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định, dù ai trong số 2 ứng viên Donald Trump và Joe Biden trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng thì Trung Quốc vẫn là bài toán lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trung Quốc - bài toán đau đầu của tổng thống Mỹ kế tiếp - 1

Dù ông Trump hay ông Biden trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ thì Washington vẫn phải "đau đầu" đối mặt với "bài toán Trung Quốc" trong chính sách đối ngoại (Ảnh: Getty)

Trung Quốc là một trong số hai nước, cùng với Nga, được nêu tên trong một báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc là gây ra thách thức quân sự lớn nhất với Mỹ. Hai năm sau đó, thách thức đó chỉ tăng lên, mà không hề giảm đi.

Chương trình hiện đại hóa nhanh chóng của Bắc Kinh đã đưa quân đội nước này thành một thế lực toàn cầu thực sự, có khả năng triển khai các lực lượng trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn thế.

Chỉ riêng năm nay, Trung Quốc đã vướng vào các cuộc xung đột đổ máu ở biên giới với các binh sĩ Ấn Độ; các máy bay của quân đội Trung Quốc liên tục tiếp cận vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản hay Đài Loan; và các tàu nước này đã liên quan tới nhiều vụ việc ở Biển Đông.

Cùng lúc đó, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Thái Bình Dương với tần suất nhiều hơn, có lúc tới 5 cuộc tập trận riêng rẽ diễn ra trên nhiều địa điểm khác nhau chỉ trong vòng ít ngày.

Các hành động của Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông, đã gây ra thách thức đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do, một khu vực nơi Mỹ nói là thương mại nên lưu thông mà không bị cảnh trở, nơi các quyền đánh bắt và khai thác tài nguyên được tôn trọng theo các hiệp ước và luật pháp quốc tế.

Khi các cử tri trên khắp nước Mỹ đi bầu cử tổng thống trong mùa bầu cử 2020, sự gia tăng của sức mạnh quân sự Trung Quốc nổi lên là một trong những lo ngại chính sách ngoại giao cấp bách và phức tạp nhất mà nhà lãnh đạo tiếp theo của Mỹ phải đối mặt.

Trung Quốc - bài toán đau đầu của tổng thống Mỹ kế tiếp - 2

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz tập trận ở Biển Đông tháng 7/2020 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Dựa trên các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm khẳng định sự thống trị tại vùng biển này trong những năm gần đây, bồi đắp và quân sự hóa hàng loạt đảo nhân tạo, tăng cường các hoạt động hải quân trong khu vực.

Để đối phó với điều đó, quân đội Mỹ đã gia tăng chỉ trích Trung Quốc và tăng cường hiện diện trong nỗ lực nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh trong khu vực. Trong năm nay, Hải quân Mỹ đã 2 lần đưa 2 tàu sân bay tới Biển Đông cùng lúc. Các máy bay ném bom và do thám, đã cất cánh từ Nhật Bản, đảo Guam hay đất liền nước Mỹ, để cảnh báo Trung Quốc rằng các hoạt động của nước này đều bị giám sát chặt chẽ, và cho thấy cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng các cuộc triển khai của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục, dù chủ nhân Nhà Trắng có ai đi nữa. Chính sách của ông Trump với Trung Quốc thì đã rõ, còn ông Biden tuyên bố sẽ cứng rắn hơn ông Trump về Trung Quốc nhưng ít đối đầu hơn.

Chính quyền Trump hiện thời có cách tiếp cận khác biệt trong việc hợp tác với quân đội của các nước đồng minh và đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Trump đã kêu gọi các quốc gia đồng minh chia sẻ nhiều hơn về gánh nặng phòng thủ, trong đó có chi phí cho việc đồn trú binh sĩ tại các căn cứ ở những nước này. Điều này đã gây căng thẳng trong quan hệ với cả Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á.

Các nhà phân tích cho rằng các nỗ lực chia sẻ gánh nặng ngân sách này có thể mềm mỏng hơn nếu ông Biden thắng cử, vì ông Biden vẫn có tiếng là một nhà đàm phán hơn là người đưa ra những yêu cầu đơn phương như ông Trump đã làm.

Tuy nhiên, các sức ép nội bộ ở hai nước này khiến điều đó không dễ dàng. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in muốn giảm chi phí quốc phòng trong khi vẫn cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Còn tại Nhật Bản, tân Thủ tướng Suga Yoshihide đối mặt với một lựa chọn khó khăn giữa việc tăng ngân sách cho việc mua sắm hoặc nâng cấp các hệ thống vũ khí như tàu sân bay, máy bay chiến đấu, hay chi cho việc đồn trú binh sĩ Mỹ tại nước này.

Ngân sách là một vấn đề rất quan trọng. Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nhưng nước này hồi phục nhanh hơn và việc tăng cường quân sự của nước này được cho là không bị ảnh hưởng nhiều, nếu không muốn nói là không bị ảnh hưởng gì.

Washington đang bị áp lực bắt kịp Trung Quốc, đặc biệt khi lợi thế quân sự về chất lượng của Mỹ đã giảm khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, nhất là trong lực lượng vũ trang.

Giới chuyên gia cho rằng chính quyền Mỹ sẽ đối mặt với mối đe dọa lớn hơn thời Chiến tranh Lạnh và tổng thống tiếp theo của Mỹ phải tập trung vào việc đảm bảo rằng nước Mỹ có ngân sách để giữ quân đội luôn đối trọng với Trung Quốc.

Đài Loan đã nhận được các mức độ ủng hộ gia tăng từ Washington trong chính quyền Trump, trong đó có các chuyến thăm của các quan chức chính phủ cấp cao và các vụ bán vũ khí hiện đại như các máy bay chiến đấu F-16.

Các nhà phân tích cho rằng, tình hình hiện nay cho thấy dù ai trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thân thiện và ủng hộ Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Một vấn đề nữa là các nhà phân tích cho rằng, dù Chiến lược quốc phòng quốc gia 2018 đã nhấn mạnh tới sự chú trọng vào châu Á, lịch sử vẫn có thể khiến sự chú ý của quân đội Mỹ nghiêng về châu Âu. Dù ông Trump hay ông Biden đắc cử cũng bị sức ép phải luôn đưa châu Á là ưu tiên trong kế hoạch quốc phòng của Washington.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự phân cực chính trị tại Mỹ có thể tạo cơ hội cho những bên hoạt động chống lại lợi ích của Mỹ. Sức ảnh trên toàn thế giới của Mỹ cũng xoay quanh châu Á, và nếu Trung Quốc thiết lập sự thống trị tại đây, khả năng của Mỹ nhằm duy trì lợi ích tại các nơi khác trên thế giới sẽ bị suy giảm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm