1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc bác cáo buộc lôi kéo châu Phi vào "bẫy nợ"

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc rằng Bắc Kinh đang lôi kéo các nước châu Phi vào "bẫy nợ" thông qua các khoản vay khổng lồ.

Trung Quốc bác cáo buộc lôi kéo châu Phi vào bẫy nợ - 1

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (trái) chào đón Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong chuyến thăm tới cảng Mombasa ngày 6/1 (Ảnh: AFP).

Phát biểu trước chuyến thăm các dự án cơ sở hạ tầng do Bắc Kinh tài trợ ở Kenya, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 6/1 cho biết các khoản vay lớn của Trung Quốc dành cho châu Phi là hình thức "đôi bên cùng có lợi", chứ không phải một chiến lược nhằm đánh đổi các nhượng bộ về ngoại giao và thương mại.

"Đó không phải là sự thật. Đó chỉ là suy đoán do một số người có động cơ ngầm đưa ra", ông Vương Nghị nói với các phóng viên tại thành phố cảng Mombasa của Kenya.

"Đây là câu chuyện do những người không muốn thấy sự phát triển ở châu Phi nghĩ ra. Nếu có bất kỳ cái bẫy nào, thì đó là nghèo đói và kém phát triển", nhà ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Eritrea, Kenya và Comoros diễn ra sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến châu Phi vào tháng 11/2021. Chuyến đi của ông Blinken được xem là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở lục địa này.

Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với giá trị thương mại trực tiếp lên tới 200 tỷ USD vào năm 2019.

Trung Quốc cũng là bên cho vay lớn thứ hai của Kenya sau Ngân hàng Thế giới. Bắc Kinh đã tài trợ cho một số dự án cơ sở hạ tầng tốn kém, làm dấy lên lo ngại về việc Kenya sẽ phải gánh nhiều nợ hơn khả năng chi trả.

Tại Mombasa, ông Vương Nghị đã tổ chức một cuộc họp kín với nhóm các bộ trưởng chính phủ Kenya và ký kết các thỏa thuận về thương mại và đầu tư, y tế, an ninh, biến đổi khí hậu và chuyển giao công nghệ xanh.

Sau đó, ông đã gặp Tổng thống Uhuru Kenyatta và thăm cảng Mombasa, nơi Trung Quốc đang xây dựng một bến tàu mới trị giá 353 triệu USD nhằm cho phép các tàu chở dầu lớn hơn cập cảng.

"Chuyến thăm là minh chứng cho việc quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu", Ngoại trưởng Kenya Raychelle Omamo cho biết.

Bắc Kinh đã tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ nhất của Kenya kể từ khi nước này giành được độc lập. Trung Quốc đã cho Kenya vay 5 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt từ Mombasa, khai trương vào năm 2017.

Trong chuyến thăm đến Mombasa vào tháng 1/2020, ông Vương Nghị đã mô tả tuyến đường sắt này là "chuẩn mực" cho Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, một dự án trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm nâng cấp các liên kết thương mại toàn cầu bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia ở các châu lục.

Tuy nhiên, giới quan sát đã cảnh báo việc Kenya phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Trung Quốc, cho rằng các khoản nợ đã tăng cao đến mức không thể quản lý được.

Khi được hỏi về chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Mỹ cam kết "hợp tác bền vững và minh bạch" với châu Phi và không yêu cầu các quốc gia phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Kiểu quan hệ đối tác mà Mỹ dành cho các nước châu Phi là những quan hệ đối tác dựa trên cơ hội và sự tôn trọng lẫn nhau", người phát ngôn cho biết.

Theo www.straitstimes.com