1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc - Ấn Độ trục xuất các nhà báo của nhau

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc và Ấn Độ đã trục xuất các nhà báo của nhau, giữa lúc căng thẳng giữa 2 quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trung Quốc - Ấn Độ trục xuất các nhà báo của nhau - 1

Ấn Độ và Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền ở Himalaya trong nhiều năm qua (Ảnh minh họa: AFP).

Wall Street Journal ngày 30/5 dẫn nguồn tin cho hay, Trung Quốc và Ấn Độ đã trục xuất hầu hết các nhà báo của nhau trong thời gian gần đây.

Khi được hỏi về bài báo này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 31/5 tuyên bố, Bắc Kinh đã thực hiện các hành động cần thiết để đáp trả hành động mà họ cáo buộc là "sự đối xử bất công của Ấn Độ với các nhà báo Trung Quốc".

Theo báo Mỹ, Ấn Độ trong tháng này đã từ chối gia hạn thị thực của 2 nhà báo cuối cùng làm việc cho cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trong khi đó, ít nhất 2 nhà báo Ấn Độ cũng không được cấp thị thực để trở lại Trung Quốc, trong khi người thứ 3 được thông báo rằng đã bị thu hồi giấy phép.

Bà Mao cáo buộc Ấn Độ đã đối xử bất công với các nhà báo Trung Quốc trong nhiều năm.

"Điều tôi có thể nói với các bạn là trong một thời gian dài, các nhà báo Trung Quốc đã bị đối xử bất công và phân biệt đối xử ở Ấn Độ và vào năm 2017, phía Ấn Độ đã rút ngắn thời hạn thị thực của các nhà báo Trung Quốc xuống còn 3 tháng hoặc thậm chí 1 tháng mà không có lý do", bà cho hay, nhấn mạnh thị thực của nhà báo Trung Quốc cuối cùng ở Ấn Độ đã hết hạn.

"Trước sự đối xử bất công kéo dài và vô lý này của phía Ấn Độ, phía Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới truyền thông Trung Quốc", bà cho biết.

Bà Mao nói thêm, cách ứng xử của Trung Quốc với các nhà báo Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của New Delhi đối với các nhà báo Trung Quốc.

"Một số nhà báo Ấn Độ đã làm việc và sinh sống ở Trung Quốc hơn 10 năm và chúng tôi sẵn sàng tiếp tục (tạo điều kiện thuận lợi cho họ), nhưng điều đó phụ thuộc vào việc liệu phía Ấn Độ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tương tự cho phía Trung Quốc hay không", bà nhấn mạnh.

Ấn Độ hiện chưa lên tiếng về thông tin trên.

Ấn Độ và Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền ở Himalaya trong hàng chục năm qua. Quan hệ giữa 2 bên xấu đi rõ rệt sau vụ xung đột ở Ladakh vào giữa năm 2020 khiến 24 binh sĩ ở 2 phía thiệt mạng.

Năm nay, căng thẳng tiếp tục nóng lên khi Trung Quốc đặt lại tên 11 địa điểm ở bang Arunachal Pradesh ở đông Ấn Độ, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là miền nam Tây Tạng.

Theo Reuters