Trung Đông trong vòng xoáy đối đầu Saudi Arabia và Iran
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran vốn không phải là chuyện mới, nhưng phải có lý do khiến Riyadh khẩn trương như vậy ở thời điểm này.
Saudi Arabia được cho là đang dẫn đầu thành lập một liên minh để chống lại Iran tại Trung Đông, mới đây nhất là sự kiện các Ngoại trưởng Liên đoàn Arab họp khẩn và ra tuyên bố chung lên án hành động làm gia tăng căng thẳng khu vực của Iran.
Saudi Arabia nóng vội
Dư luận khu vực cho rằng Saudi Arabia đang có nhiều động thái hình thành các liên minh để chống lại Iran như việc Nhóm bộ tứ (gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE, Bahrain và Ai Cập) yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran hồi tháng 6, thành lập Hội đồng hợp tác chiến lược Saudi Arabia – Iraq, hay mới đây nhất là kêu gọi họp khẩn cấp ngoại trưởng Arab vì cho rằng Iran đang gây đe dọa an ninh các quốc gia Arab sau vụ bắn tên lửa của lực lượng dân quân Houthi từ Yemen vào thủ đô Riyadh hôm 4/11.
Là nước mà người Hồi giáo theo dòng Sunni thống trị và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Saudi Arabia sợ rằng Iran muốn áp đặt quyền bá chủ ở Trung Đông.
Thực tế từ lâu Saudi Arabia và Iran đã là đối thủ khu vực ở Trung Đông, nhưng căng thẳng giữa 2 nước đã gia tăng trong thời gian gần đây bởi đồng minh Mỹ và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật “đèn xanh” cho các hành động này của Saudi Arabia.
Thứ hai, Thái tử Mohammed bin Salman dự kiến là người có thể lên nắm quyền cai trị đất nước khi mà cha ông, Quốc vương Salman 81 tuổi, sẽ thoái vị do sức khỏe yếu.
Thứ ba, Thái tử Mohammad Bin Salman, 32 tuổi, có ít kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, nhưng với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng đã có nhiều động thái được cho là cứng rắn nhằm tạo dựng thanh thế và uy tín ở khu vực khi một số nước như Yemen, Lebanon, Qatar, Syria tỏ ra gần gũi hơn với Iran. Còn trong nội bộ, ông đã quyết liệt với việc cải tổ nội các, bắt giữ 11 hoàng tử và khoảng 200 quan chức, doanh nhân khác trong cuộc chống tham nhũng.
Ngoài ra, Saudi Arabia cũng nhận được sự ủng hộ của Israel trong liên minh chống lại kẻ thù lớn nhất là Iran khi gần đây báo chí tiết lộ hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc ngầm.
Đáng chú ý là thời qua, Saudi Arabia cũng tăng cường củng cố về quân sự và được coi là một trong số quân đội được trang bị tốt nhất trong khu vực với khoảng 227.000 quân và là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới.
Phản ứng thận trọng của Mỹ
Ngày 21/11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Bin Salman để thảo luận về tình hình khu vực. Dù được cho là cùng chia sẻ mối quan ngại về Iran với Saudi Arabia, nhưng Mỹ thời gian qua cũng phản ứng khá thận trọng trước những bất ổn tại Trung Đông như Qatar hay Lebanon.
Chính sách của ông Donald Trump được các nhà phân tích khu vực và ngay cả các đồng minh ở Trung Đông cho rằng không rõ ràng.
Kể từ khi lên nắm quyền Tổng thống đến nay, ông Donald Trump đã có những chính sách gần như đi ngược với cựu Tổng thống Obama. Ví dụ như ông đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran ký năm 2015 giữa Tehran với nhóm P5+1, hay tuyên bố không lún sâu vào các cuộc xung đột khu vực như Syria, Iraq, Yemen kể cả cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.
Nhưng thực tế, các cuộc xung đột, khủng hoảng ở Trung Đông vẫn luôn có yếu tố Mỹ can dự dù trực tiếp hay gián tiếp.
Saudi Arabia từ lâu đã là đồng minh của Mỹ và mối quan hệ song phương dù có căng thẳng dưới thời chính quyền Obama, đặc biệt là do cách tiếp cận của Mỹ đối với Iran, nhưng đã được làm nống ấm lại trong thời gian qua. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông của Tổng thống Donald Trump là Saudi Arabia cùng với thỏa thuận bán vũ khí lên tới 110 tỷ USD. Cùng với đó, việc Tổng thống Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, đã khiến Saudi Arabia như củng cố được niềm tin trước mối lo ngại quân sự của đối thủ lớn trong khu vực là Iran.
Chính quyền Mỹ đã “bật đèn xanh” để đồng minh Saudi Arabia có những hành động mạnh mẽ như vừa qua, nhất là đối đầu với Iran. Cuộc đối đầu này được cho rằng đây là cuộc chiến giữa hai dòng tôn giáo Sunni và Shiite hay giữa một bên là Iran và một bên là đồng minh của Mỹ và Saudi Arabia. Tổng thống Donald Trump đã ra tín hiệu rằng sẽ chống lại Iran trong cuộc chiến với các quốc gia Arab của người Sunni, đặc biệt là Saudi Arabia.
Mặt khác, Nhà Trắng và gia đình hoàng gia ở Saudi Arabia cũng làm “ấm lòng” lẫn nhau khi Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông không chỉ trích phương pháp tiếp cận Hồi giáo cứng rắn của Saudi Arabia giống như cách họ kết hợp Iran với khủng bố.
Nhân tố Israel
Trong “cuộc chơi” tranh giành ảnh hưởng của Saudi Arabia và Iran, có thể thấy rõ cả Saudi Arabia và Israel đều coi Iran là mối đe dọa chính ở khu vực Trung Đông.
Căng thẳng ngày càng gia tăng hiện nay giữa Saudi Arabia và Iran cũng làm dấy lên càng nhiều đồn đoán rằng lợi ích chung có thể đẩy Saudi Arabia và Israel hợp tác cùng nhau.
Như báo chí khu vực đưa tin, Israel gần đây đã có nhiều cuộc tiếp xúc ngầm với Saudi Arabia trong bối cảnh các bên đều quan ngại chung về Iran hay ủng hộ việc thành lập nhà nước người Kurd ở Iraq…
Tuy nhiên, việc hợp tác này là có tính toán tới lợi ích và cơ hội được - mất. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây nói rằng có một mức độ hợp tác với một số nước Arab để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran và hạn chế những gì mà Israel gọi là một chính sách "hung hăng" trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, Israel vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng mối quan hệ này mà không phải đánh đổi một cơ hội thực sự cho hoà bình. Dường như Israel sẽ chỉ thiết lập mối quan hệ đồng minh với Saudi Arabia hay các quốc Arab khác nếu các mối quan hệ này “miễn phí”. Khi các cuộc xung đột ở Trung Đông bùng phát thì cơ hội đang ở trước mặt Israel. Tuy nhiên, Israel đã quá hiểu bài học của Palestine và sẽ không bao giờ đánh mất một cơ hội để bỏ qua một cơ hội.
Khả năng chống đỡ của Iran
Hiện nay, Saudi Arabia đang tập hợp được lực lượng khá mạnh trên mặt trận chống Iran.
Nhưng thực tế trong thời gian vừa qua, Iran cũng đang giành được nhiều ảnh hưởng và lợi thế ở khu vực, nhất là sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với nhóm P5+1. Các lực lượng thân Iran ở Syria, Yemen, Lebanon đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng và vị thế. Quan hệ với Iran với Qatar thì được củng cố trong bối cảnh khủng hoảng vùng Vịnh. Đây có thể coi là thắng lợi của Iran trên mặt trận chính trị, ngoại giao và kinh tế.
Mặc dù vậy, Iran vẫn đang phải đối mặt không chỉ với liên minh Saudi Arabia mà còn sức ép rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Mỹ. Do đó, Iran có những chính sách đối riêng để ứng phó với các mối đe dọa này.
Các chuyên gia cho rằng, Iran sẽ tăng cường củng cố thắng lợi ngoại giao thông qua quan hệ với châu Âu, Nga và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, tận dụng sự hỗ trợ của các nước đến mức tối đa có thể liên quan tới thỏa thuận hạt nhân để không làm mất sự ủng hộ này trước sức ép của Mỹ hay chính sách hiếu chiến của Israel.
Thứ hai, sự đoàn kết dân tộc Iran được cho là điểm tựa của bất kỳ cuộc đối đầu nào hiện nay.
Thứ ba, Iran sẽ kìm hãm căng thẳng với Saudi Arabia tránh leo thang thành xung đột không có lợi cho nước này và khu vực. Mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái khẳng định sự ủng hộ của Iran đối với sự phát triển của các nước trong khu vực, bao gồm cả Saudi Arabia, và nói rằng "không có con đường nào khác ngoài tình anh em, tình bạn và giúp đỡ lẫn nhau".
Theo ông Hassan Rouhani Saudi Arabia sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng Iran không phải là bạn mà là Mỹ và Israel, đồng thời gọi đây là "một sai lầm và tính toán sai chiến lược". Ông Hassan Rouhani nói thêm mục tiêu chung của các nước trong khu vực là thiết lập và thúc đẩy sự ổn định, giữ nguyên trạng các biên giới địa lý, đảm bảo các quốc gia có quyền tự quyết và chấm dứt các cuộc chiến.
Nhà lãnh đạo Iran cũng tố cáo âm mưu của những quốc gia bá quyền đối với các nước trong khu vực nhằm cướp bóc dầu mỏ và sự giàu có và đổi lại bằng việc bán vũ khí "nhằm thổi bùng ngọn lửa" của hận thù.
Giới quan sát khu vực nhận định, một khi các nước Arab gia tăng chính sách thù địch chống Iran, mâu thuẫn sâu sắc giữa các bên sẽ trở nên khó giải quyết, ảnh hưởng đến các nỗ lực giải quyết các vấn đề khác trong khu vực. Những diễn biến này có thể đẩy Trung Đông vào cuộc khủng hoảng mới hết sức phức tạp.
Theo Ngọc Thạch
VOV