1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung - Ấn nỗ lực giảm căng thẳng biên giới

Thanh Thành

(Dân trí) - Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí ưu tiên các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng biên giới ở vùng Himalaya, đồng thời thực hiện các bước khôi phục hòa bình trong khu vực.

Trung - Ấn nỗ lực giảm căng thẳng biên giới - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS hôm 24/8 (Ảnh: EPA-EFE).

Theo các nguồn tin, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi hôm 24/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều nhấn mạnh việc hai bên nhất trí tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng cho tình trạng bế tắc kéo dài 3 năm dọc vùng biên giới Himalaya.

Tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra xác nhận, Thủ tướng Modi đã trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình và nêu bật những lo ngại của New Delhi về các vấn đề chưa được giải quyết dọc theo "Đường kiểm soát thực tế" (LAC), phân giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

"Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới cũng như việc tuân thủ và tôn trọng LAC là điều cần thiết để bình thường hóa quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc", Ngoại trưởng Kwatra nói.

Ông cho biết thêm, hai nhà lãnh đạo đã "đồng ý chỉ đạo các quan chức liên quan tăng cường nỗ lực nhằm nhanh chóng rút quân và giảm leo thang căng thẳng".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả việc trao đổi quan điểm là thẳng thắn và sâu sắc, đồng thời nhấn mạnh, Chủ tịch Tập nhấn mạnh, việc cải thiện quan hệ Trung-Ấn phục vụ lợi ích của hai nước và "có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới và khu vực".

Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Modi đã mô tả cuộc thảo luận là "tích cực, mang tính xây dựng và sâu sắc". Tuyên bố nói thêm rằng, Ấn Độ và Trung Quốc đã "nhất trí duy trì động lực đối thoại và đàm phán thông qua các kênh quân sự và ngoại giao".

"Hai bên cần lưu ý đến lợi ích chung trong quan hệ song phương và xử lý đúng đắn vấn đề biên giới để cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới", tuyên bố nêu rõ.

Cả hai nước tiếp tục triển khai một số lượng đáng kể quân đội và vũ khí tiên tiến kể từ sau cuộc đụng độ năm 2020 ở Thung lũng Galwan dọc LAC, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Đây là cuộc xung đột biên giới đẫm máu nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ.

Trong tháng này, vòng đàm phán cấp quân sự lần thứ 19 đã không mang lại bất kỳ bước đột phá nào, mặc dù cả hai bên đều đồng ý tiếp tục đàm phán.

Kể từ những cuộc giao tranh đẫm máu vào năm 2020, ông Modi và ông Tập Cận Bình hầu như tránh tiếp xúc trực tiếp, nhưng cả hai đã trao đổi vui vẻ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11/2022.

Hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tiết lộ hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về sự cần thiết phải ổn định quan hệ song phương.

Ông Tập cũng dự kiến sẽ đến thăm New Delhi để tham dự các phiên họp thượng đỉnh G20 từ ngày 9 đến 10/9 tới. Cả hai bên cũng không loại trừ khả năng tiến hành một cuộc gặp song phương bên lề sự kiện này.

Theo SCMP