1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trinh sát cơ Mỹ bị nghi “giả dạng” máy bay Philippines ở gần Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Máy bay trinh sát của Không quân Mỹ bị nghi thay đổi mã hiệu nhận dạng khi bay qua biển Hoàng Hải trong tuần này.

Trinh sát cơ Mỹ bị nghi “giả dạng” máy bay Philippines ở gần Trung Quốc - 1

Máy bay trinh sát RC-135S của Không quân Mỹ (Ảnh: SCMP)

Theo Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, khi bay qua biển Hoàng Hải vào ngày 22/9, máy bay trinh sát RC-135S của Không quân Mỹ đã sử dụng mã hiệu nhận dạng được cấp cho một máy bay của Philippines. Sau khi hoàn thành chuyến bay, máy bay Mỹ đã chuyển về mã hiệu nhận dạng chuẩn ban đầu.

Theo SCMP, Aircraft Spots, cơ quan giám sát hoạt động của các máy bay, cũng đưa ra đánh giá tương tự trên Twitter. Aircraft Spots cho biết máy bay trinh sát Mỹ đã sử dụng mã hiệu nhận dạng khác khi đi qua Hoàng Hải - khu vực nằm giữa bờ biển của Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.

Mã hiệu định dạng của một máy bay được đăng ký với tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) và được sử dụng để nhận diện máy bay. Mã hiệu cung cấp cho bộ phận mặt đất và các máy bay khác các thông tin cần thiết để đảm bảo an toàn trên không.  

Tuần trước, SCSPI cho biết các máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ cũng “giả dạng” máy bay dân sự Malaysia khi hoạt động gần không phận của Trung Quốc. Theo SCSPI, máy bay có mã hiệu định dạng Malaysia đã bay qua khu vực giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tạp chí Popular Mechanics và một số nhà quan sát độc lập cũng xác nhận thông tin này.

Trước đó, SCSPI cũng đặt ra nghi vấn máy bay Mỹ đã “giả dạng” máy bay thương mại Malaysia để thực hiện nhiệm vụ tuần tra Biển Đông. 

Theo Sputnik, Tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ ngày 18/9 phản đối việc sử dụng từ "giả dạng" khi mô tả hoạt động của máy bay trinh sát RC-135 gần Trung Quốc. Tướng Mỹ khẳng định máy bay RC-135 luôn tuân thủ quy tắc sử dụng không phận quốc tế và không vi phạm bất cứ điều luật quốc tế nào.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thống kê rằng, quân đội Mỹ đã sử dụng chiến thuật “máy bay giả dạng” hơn 100 lần trong năm nay. Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng việc các máy bay quân sự hoạt động “giả dạng” có thể gây nguy hiểm cho các máy bay dân sự.

Giới phân tích nhận định động thái trên cho thấy Mỹ vẫn đang tăng cường theo dõi Trung Quốc, bất chấp nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Ni Lexiong, nhà bình luận quân sự tại Thượng Hải, cho rằng các chuyến bay trinh sát của Mỹ có thể nhắm mục tiêu tới các hoạt động điện tử nhạy cảm của quân đội Trung Quốc, bao gồm các tín hiệu radar và thông tin liên lạc.

“Nếu một máy bay trinh sát của Không quân Mỹ bị phát hiện trong tầm ngắm, các hoạt động của quân đội Trung Quốc sẽ dừng lại. Nhưng nếu đó là một máy bay dân sự, các hoạt động đó có thể vẫn diễn ra bình thường và (máy bay Mỹ) có thể thu thập và phân tích thông tin”, ông Ni cho biết.

Theo ông Ni, mặc dù các máy bay trinh sát Mỹ gây khó chịu cho Bắc Kinh, nhưng các máy bay này vẫn hoạt động bên ngoài không phận Trung Quốc. Về mặt kỹ thuật, các máy bay Mỹ vẫn ở trong không phận quốc tế, do vậy quân đội Trung Quốc không thể bắn hạ hay làm điều gì xa hơn.

“Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc vẫn liên tục theo dõi, điều đó có nghĩa họ có thể phát hiện ra hành động giả dạng”, chuyên gia Ni cho biết thêm.

Ei Sun Oh, cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương ở Malaysia, cho rằng trong bối cảnh không có nhiều máy bay dân sự hoạt động do dịch Covid-19, Mỹ sẽ phải thực hiện bước đi có tính toán nếu muốn tìm cách tiến hành các hoạt động “giả dạng”.