1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên thực sự muốn gì khi dọa tấn công Mỹ?

(Dân trí) - Triều Tiên có thể không thực sự muốn một cuộc xung đột quân sự với Mỹ mặc dù dọa tấn công tên lửa vào đảo Guam. “Đòn gió” có thể chỉ là cách để Bình Nhưỡng đạt được những mục tiêu khác, giới chuyên gia nhận định.

Quân đội Triều Tiên hồi đầu tuần này cảnh báo đang cân nhắc kế hoạch tấn công tên lửa vào Guam, đảo chiến lược quân sự của Mỹ với 160.000 dân.

Theo kế hoạch, Bình Nhưỡng tính bắn 4 tên lửa tầm trung Hwasong-12 vào Guam. Mặc dù nói rằng, kế hoạch vẫn cần sự phê chuẩn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng nêu rõ rằng kế hoạch sẽ hoàn tất trong vài ngày tới, nghĩa là trung với thời điểm Mỹ và Hàn Quốc tập trận quân sự chung.

Vậy Triều Tiên thực sự muốn gì khi đưa ra những đe dọa như vậy?

Răn đe quân sự

Triều Tiên công bố video vụ phóng tên lửa liên lục địa thứ hai

Triều Tiên vốn coi Mỹ là một mối đe dọa sống còn. Họ nhận thấy rằng nếu thực sự nghiêm túc về mối đe dọa đó, Triều Tiên cần chứng tỏ sức răn đe quân sự.

Chiến lược này đã được Triều Tiên thực hiện nhiều năm qua, thậm chí nhiều thập niên qua, với việc chế tạo các tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bắn tới lục địa Mỹ.

Tuy nhiên rõ rằng, nếu chỉ tuyên bố là chưa đủ, Triều Tiên cần phải thể hiện sự răn đe đó. Đó là lý do Triều Tiên liên tục thử tên lửa để thế giới công nhận bước tiến công nghệ quân sự của nước này, gạt bỏ những hoài nghi về năng lực tên lửa của Triều Tiên.

Nâng cao vị thế

Triều Tiên nhiều lần tuyên bố không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên không coi đó là lá bài thương lượng hay sử dụng nó cho một cuộc chiến, mà đơn giản là để nâng cao vị thế.

Bình Nhưỡng muốn Washington phải công nhận họ là một quốc gia hạt nhân như với Pakistan và Ấn Độ, và Mỹ phải tôn trọng Triều Tiên xứng tầm.

Tuy nhiên, thực tế, tuy không hoài nghi về năng lực hạt nhân của Triều Tiên, nhưng đến nay Mỹ quyết không công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, và sẽ không công nhận trong tương lai gần.

Bình Nhưỡng tiếp tục gây sức ép để buộc Washington thay đổi quan điểm đó.

Buộc Mỹ đối thoại


Binh sĩ Triều Tiên chụp ảnh lính Hàn Quốc và lính Mỹ tại làng đình chiến Panmunjom (Ảnh: Sputnik)

Binh sĩ Triều Tiên chụp ảnh lính Hàn Quốc và lính Mỹ tại làng đình chiến Panmunjom (Ảnh: Sputnik)

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện quan điểm cứng rắn với Triều Tiên, nhưng những lo ngại khi Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa buộc Mỹ vẫn phải kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên.

Buộc Mỹ phải đối thoại sẽ được coi là một thành công của Triều Tiên, đặc biệt khi đó là một cuộc đối thoại ngang hàng.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng, Triều Tiên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khi có những động thái đe dọa như tấn công tên lửa vào đảo Guam của Mỹ. Cụ thể, nếu bắn trượt mục tiêu, chiến lược răn đe của Triều Tiên sẽ “xôi hỏng, bỏng không”. Ngược lại, nếu bắn trúng mục tiêu ở đảo Guam, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.

An ninh và sự sống còn của chính quyền

Điều Triều Tiên mong muốn nhất chính là đảm bảo an ninh, đảm bảo sự tồn tại của chế độ. Họ không muốn tất cả những điều đó bị đe dọa hay bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế.

Triều Tiên muốn một hiệp ước hòa bình chính thức thay thế hiệp ước đình chiến chấm dứt chiến tranh liên Triều 1950-1953. Để có được điều này, Triều Tiên cần một sự thay đổi đáng kể mối quan hệ không chỉ với Mỹ mà còn với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí Nga.

Về lý thuyết, muốn hiệp ước hòa bình, Triều Tiên không thể châm ngòi một cuộc chiến mới. Song, không ai có thể chắc chắn Triều Tiên sẽ hành động như thế nào để đạt được mục đích của họ.

Minh Phương

Theo ABC News