1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Triều Tiên thừa nhận kinh tế khó khăn, kêu gọi Hàn Quốc giúp đỡ

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Triều Tiên đã thừa nhận những khó khăn của nền kinh tế Triều Tiên và kêu gọi sự giúp đỡ của Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-in gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Moon Jae-in gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Chia sẻ với các phóng viên ngày 21/9, cố vấn kinh tế đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Kim Hyun-chul, cho biết Phó Thủ tướng Triều Tiên Ri Ryong-nam đã thừa nhận những khó khăn của nền kinh tế Triều Tiên và kêu gọi Hàn Quốc giúp đỡ trong cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc trong tuần này. Trước đó ngày 18/9, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae-yong và các lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng để dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên thừa nhận sự yếu kém của nền kinh tế. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng chia sẻ điều này với Tổng thống Moon Jae-in và bản thân ông cũng đang nỗ lực cải thiện nền kinh tế bị đình trệ của Triều Tiên sau nhiều năm theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Ri Ryong-nam và các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc, hai bên đã nhấn mạnh cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Thủ tướng Ri mong muốn Hàn Quốc sẽ nỗ lực vì hòa bình, thịnh vượng và tương lai tái thống nhất hai miền Triều Tiên.

Phó Thủ tướng Triều Tiên cũng có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hyun Jeong-eun và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc Park Yong-maan. Hyundai Asan, công ty hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thuộc Tập đoàn Hyundai, là đối tác quan trọng trong dự án khu công nghiệp chung liên Triều ở thành phố Kaesong tại biên giới Triều Tiên, đồng thời là đối tác tham gia chương trình du lịch chung ở núi Kumgang - khu nghỉ dưỡng trên núi nổi tiếng ở bờ biển phía đông Triều Tiên.

Cả 2 dự án khu công nghiệp và du lịch trên đều được xem là biểu tượng cho mối quan hệ hòa hợp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy nhiên do tình hình căng thẳng trong quan hệ song phương trước đây, cả hai dự án đều bị tạm dừng.

Chuyến thăm của phái đoàn gồm các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng lần này là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên mong muốn thu hút công nghệ và các khoản đầu tư từ Hàn Quốc để cải thiện nền kinh tế. Hiện Bình Nhưỡng đang phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt cả đơn phương và đa phương từ Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế do các chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua cho biết ông hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ diễn ra “trước khi quá muộn”.

“Tôi hy vọng tôi sẽ có cơ hội quay trở lại Bình Nhưỡng để tiếp tục các cuộc đàm phán trước khi quá muộn. Và trước khi quá muộn… tôi cũng hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau lần nữa để tiếp tục đạt được tiến triển trong vấn đề quan trọng đối với toàn thế giới”, ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn với MSNBC.

Trong cuộc phỏng vấn khác với Fox News, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng để hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra, các điều kiện cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.

“Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị. Tuy nhiên vẫn còn một số việc cần làm để đảm bảo rằng các điều kiện đều phù hợp và hai nhà lãnh đạo sẽ đến đúng thời điểm để chúng ta có thể đạt được tiến triển thực chất”, ông Pompeo nói.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều diễn ra ở Singapore hồi tháng 6. Tại cuộc gặp này, ông Trump và ông Kim đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên để đổi lấy việc Mỹ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

Thành Đạt

Theo Yonhap

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm