Triều Tiên thiếu lương thực trầm trọng, ông Kim Jong-un họp khẩn
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi giải quyết tình hình lương thực "đáng lo ngại" tại nước này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai.
Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì phiên họp toàn thể của ban chấp hành đảng Lao động Triều Tiên hôm 15/6 để xem xét tiến độ triển khai các chính sách quan trọng và các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế.
Triều Tiên đã đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ để đạt được kế hoạch kinh tế trong 5 năm tới. Các kế hoạch này được vạch ra tại phiên họp hồi tháng 2, bao gồm tăng sản lượng lương thực và kim loại.
Ông Kim Jong-un cho biết nền kinh tế Triều Tiên đã cải thiện trong nửa đầu năm nay, với tổng sản lượng công nghiệp tăng 25% so với một năm trước.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng thừa nhận "một loạt sai lầm" trong nỗ lực thực hiện các kế hoạch do một số trở ngại, khiến nguồn cung lương thực trở nên khó khăn.
"Tình hình lương thực của người dân đang trở nên căng thẳng khi ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão vào năm ngoái", ông Kim Jong-un nói.
KCNA cho biết, đảng Lao động Triều Tiên cam kết sẽ tập trung mọi nỗ lực vào việc canh tác trong năm nay, đồng thời thảo luận các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19.
Ông Kim Jong-un nhấn mạnh rằng, các bước giảm thiểu tác động của thiên tai là bài học từ năm ngoái và là chìa khóa để đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay.
Hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận kế hoạch kinh tế 5 năm trước đó của Triều Tiên đã thất bại trong hầu hết mọi lĩnh vực, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện triền miên và thiếu lương thực ngày càng trầm trọng do các lệnh trừng phạt, đại dịch Covid-19 và lũ lụt.
Ông Kim Jong-un cũng cho biết, đại dịch kéo dài đòi hỏi chính quyền Triều Tiên phải đẩy mạnh nỗ lực cung cấp lương thực, quần áo và nhà ở cho người dân.
Triều Tiên hiện chưa chính thức xác nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào. Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc và nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về thông tin này, trong khi thế giới cho đến nay ghi nhận hơn 177 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 3,8 triệu ca tử vong vì Covid-19.
Triều Tiên nhiều lần khẳng định vẫn "sạch bóng" Covid-19 dù có đường biên giới chung với Trung Quốc - nơi ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên trên thế giới và Hàn Quốc - nơi từng bùng phát ổ dịch lớn hồi năm ngoái.
Triều Tiên đã triển khai hàng loạt biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước. Triều Tiên cũng cách ly hàng chục nghìn người khi có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19.
COVAX, một sáng kiến toàn cầu nhằm chia sẻ vắc xin Covid-19 cho các nước nghèo, cho biết sẽ cung cấp gần 2 triệu liều vắc xin cho Triều Tiên nhưng lô hàng bị trì hoãn do các cuộc tham vấn kéo dài.
Tuy chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, nhưng việc đóng cửa biên giới cùng với các biện pháp phòng dịch khác được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của Triều Tiên do hoạt động giao thương với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng - bị gián đoạn.