1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên rút khỏi hiệp định đình chiến, cảnh báo đáp trả quân sự

(Dân trí) - Triều Tiên hôm nay tuyên bố không tuân thủ hiệp định đình chiến (chấm dứt Chiến tranh liên Triều 1950-53) và cảnh báo khả năng đáp trả quân sự, sau khi Hàn Quốc tuyên bố tham gia Sáng kiến Phòng ngừa Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) do Mỹ khởi xướng.

Triều Tiên rút khỏi hiệp định đình chiến, cảnh báo đáp trả quân sự  - 1
Làng đình chiến Pamunjom, nơi hiệp định đình chiến 1950/1953 được ký kết.
 
Tuyên bố nhắc lại quan điểm của Bình Nhưỡng rằng việc Hàn Quốc tham gia PSI được coi là lời tuyên chiến.

 

“Quân đội Triều Tiên sẽ không tuân thủ thỏa thuận đình chiến vì ban lãnh đạo Mỹ đương nhiệm đã lôi con rối (Hàn Quốc) vào PSI”, tuyên bố dẫn lời đại diện quân sự Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom nói. 

 

Tuyên bố khẳng định nếu hiệp định đình chiến này không còn được tuân thủ, “bán đảo Triều Tiên sẽ trở lại tình trạng chiến tranh”. Điều này có nghĩa là quân đội Triều Tiên “sẽ có những hành động quân sự tương ứng” – tuyên bố nói mà không cho biết chi tiết. “Những ai gây hấn với chúng ta sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt quyết liệt nhất”. 

 

Tin tức từ nước này dẫn một tuyên bố quân sự, trong đó loan báo Triều Tiên không thể bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền hoạt động ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này, cũng như “tình trạng pháp lý” của 5 hòn đảo Hàn Quốc gần khu vực biên giới tranh chấp liên Triều ở biển Hoàng Hải.

 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phản ứng bình tĩnh và tuyên bố chưa có quyết định tăng quân đến khu vực bờ biển phía Tây này. “Quân đội vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình trong khi chuẩn bị cho mọi diễn biến bất ngờ nhất”, một người phát ngôn bộ này nói. 

 

Hàn Quốc trước đó chỉ có một quan sát viên trong PSI vì e ngại làm nước láng giềng phương Bắc bực mình, nhưng ngày 26/5 đã tuyên bố sẽ trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này - một ngày sau khi Triều Tiên loan báo thử hạt nhân thành công.  

 

PSI do cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khởi xướng năm 2003 và hiện có hơn 90 nước tham gia. Mục đích của PSI là nhằm kêu gọi các nước phong tỏa, ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí hủy diệt. PSI cho phép kiểm tra các tàu thuyền bị nghi ngờ chở vũ khí hủy diệt hàng loạt và giám sát các động thái của Triều Tiên, Iran và Syria. 

 

Nguyễn Viết

Theo AFP, Reuters, Xinhua