1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thực hư về cường độ vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên

(Dân trí) - Theo một cơ quan giám sát thử hạt nhân, vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên hồi đầu tuần lớn hơn vụ thử đầu tiên năm 2006, nhưng không lớn như mức thông báo ban đầu.

Thực hư về cường độ vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên - 1
 
Tổ chức hiệp định cấm thử toàn diện (CTBTO) có trụ sở ở Vienna, Áo, cho biết cần phải đợi đến sớm nhất là tuần tới, mới có bằng chứng chính xác xem vụ nổ hôm thứ hai vừa qua có phải là một vụ thử hạt nhân thứ hai của Bình Nhưỡng hay không. Các nhà khoa học cần phải tìm kiếm bằng chứng tồn tại các phân tử phóng xạ và khí hiếm. Nhưng CTBTO khẳng định, các dữ liệu cho đến nay cho thấy nó giống với cả một vụ nổ lẫn một vụ động đất.

 

Ngay sau vụ thử của Triều Tiên hôm thứ hai vừa qua, Nga tuyên bố vụ nổ lớn gấp 20 lần vụ nổ 1 kiloton TNT của Triều Tiên 3 năm trước đây hoặc bằng với quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Nagasaki, Nhật Bản, trong Thế chiến II.

 

Tuy nhiên, CTBTO và Mỹ đánh giá sức mạnh của vụ thử dưới lòng đất của Triều Tiên nhỏ hơn.

 

“Nếu đo, thì đó là vụ thử dưới 1 đơn vị kiloton”, Thư ký điều hành CTBTO Tibor Toth cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày hôm qua, 29/5. Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm thứ hai cũng cho rằng vụ nổ chỉ vào khoảng vài kiloton TNT. “Qua dữ liệu ban đầu, có thể thấy rõ có dấu hiệu giống như một vụ nổ”, ông cho biết.

 

“Có tâm chấn giống như một vụ động đất và cũng có những dấu hiệu giống như một vụ nổ cùng ở một địa điểm”, Lassina Zerbo, người đứng đầu trung tâm CTBTO, chuyên thu thập các dữ liệu từ các trạm giám sát địa chấn trên toàn cầu, cho biết. Vụ thử năm 2006 chỉ tạo ra sóng giống như có một vụ nổ.

 

Và ông Toth cho biết một trạm giám sát của Nhật sẽ cho kết quả đọc khí hiếm và radio-nuclei sớm nhất có thể.

 

Ông cũng cho biết vụ thử mới của Triều Tiên có cường độ 4,52 richter, còn vụ thử năm 2006 là 4,1.

 

Trong khi đó, hôm qua một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ nghiên cứu ban đầu của Mỹ - để xác định xem có phải Triều Tiên đã thử một thiết bị hạt nhân hay không - chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. “Những kết quả nghiên cứu ban đầu chưa đưa ra kết luận được. Họ không tìm thấy bất kỳ điều gì có thể khẳng định đã có một thiết bị hạt nhân được kích nổ”, quan chức giấu tên của Mỹ nói. Quan chức này cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu thêm và kết quả sẽ được biết trong vài ngày tới.

 

CTBTO, cơ quan quốc tế độc lập theo dõi các vụ thử có khả năng vi phạm luật, đã thu thập kết quả đọc từ 60 trong tổng số 130 trạm địa chấn về vụ thử hôm thứ hai. Trong vụ thử của Triều Tiên năm 2006, cơ quan này chỉ thu thập 22 kết quả.

 

Năm 1996 CTBTO đưa ra lệnh cấm các vụ nổ hạt nhân trên toàn cầu nhưng quy định không thể áp dụng trước khi được thông qua bởi 44 nước tham gia vào đàm phán và những nước có năng lượng cũng như lò phản ứng hạt nhân. Trong số 5 nước có vũ khí hạt nhân, Mỹ và Trung Quốc chưa thông qua hiệp ước.

 

Triều Tiên đã từ bỏ Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003 nhưng tham gia vào tiến trình giải giáp hạt nhân đổi lấy viện trợ với các cường quốc thế giới năm 2007. Bình Nhưỡng mới chỉ từ bỏ tiến trình này vào tháng trước và bắt đầu tái khởi động chương trình hạt nhân của mình.

 

Tại New York, Mỹ và Nhật đã đưa ra một bản dự thảo nghị quyết cho Hội đồng bảo an LHQ, lên án vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên, yêu cầu thực thi nghiêm ngặt hơn các lệnh cấm vận được đưa ra sau vụ thử hạt nhân lần một vào tháng 10/2006.

 

Phan Anh

Theo Reuters