1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên không còn phóng tên lửa: Công lớn của Tổng thống Trump?

(Dân trí) - Triều Tiên đã không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa hay hạt nhân nào trong suốt năm 2018 và đây được xem là kết quả từ cách tiếp cận chính sách đối ngoại khác thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Triều Tiên không còn phóng tên lửa: Công lớn của Tổng thống Trump? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Getty)

Theo NBC, mặc dù Triều Tiên đã dừng hoàn toàn các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong suốt năm 2018, song đây không phải là một chiến thắng như Tổng thống Trump tuyên bố.

Trước và sau khi ông Trump tranh cử và nhậm chức, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa. Căng thẳng lên đến đỉnh cao vào năm 2017 khi chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, được cho là có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Bình Nhưỡng cũng thử vũ khí hạt nhân mạnh nhất của nước này từ trước đến nay và tuyên bố đó là một quả bom nhiệt hạch thu nhỏ.

Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân cuối cùng vào tháng 9/2017 và một tháng sau đó là vụ thử tên lửa cuối cùng. Từ chỗ chỉ trích ông Kim Jong-un là "người tên lửa", Tổng thống Trump đã nói rằng ông "yêu mến" nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tổng thống Trump nói rằng việc Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa là bằng chứng cho thấy chiến lược của ông trong việc gây sức ép với chính quyền Triều Tiên đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên nhiều chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù việc phô diễn các vũ khí gây chú ý của Triều Tiên đã dừng lại, song những phần "tinh vi" hơn trong chương trình vũ khí của nước này vẫn đang được triển khai. Các vụ thử nghiệm chỉ là một phần của câu chuyện.

"Ông Kim Jong-un không thay đổi chính sách của ông ấy, mà ông ấy bây giờ chuyển từ quá trình nghiên cứu và phát triển sang sản xuất hàng loạt", Cristina Varriale, nhà nghiên cứu tại Viện Royal United Services ở London, nhận định.

Theo các chuyên gia và dựa trên những hình ảnh vệ tinh được công bố, Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu phân hạch và phát triển các căn cứ tên lửa trên khắp đất nước. Việc Triều Tiên chuyển từ quá trình thử nghiệm sang sản xuất vũ khí không phải là điều bất ngờ, mà đây chính là những gì mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố với thế giới hồi đầu năm nay.

Trong bài phát biểu mừng năm mới 2018, ông Kim Jong-un nói rằng các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên đã hoàn tất tất cả các cuộc thử nghiệm cần thiết. Còn bây giờ ông Kim cho biết ngành nghiên cứu vũ khí và công nghiệp tên lửa của Triều Tiên cần sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, theo NBC.

Theo Robert S. Litwak, phó giám đốc Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington, với tần suất chế tạo như hiện tại, Triều Tiên sẽ có khoảng 100 đầu đạn hạt nhân trước năm 2020, gần bằng một nửa so với kho vũ khí của Mỹ.

Ngoài việc dừng các vụ thử vũ khí, Tổng thống Trump cũng ca ngợi Triều Tiên vì đã phá hủy bãi thử hạt nhân tại Punggye-ri. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo việc phá hủy này vẫn chưa được xác nhận và không liên quan tới việc Triều Tiên sản xuất thêm đầu đạn hạt nhân. Hơn nữa, Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể khôi phục lại bãi thử hạt nhân bất kỳ lúc nào.

Mặc dù các động thái của Triều Tiên vẫn còn gây nhiều tranh cãi, song không thể phủ nhận vai trò của Tổng thống Trump - người đã phá vỡ những khuôn phép vốn có trong quan hệ Mỹ - Triều. Ông Trump là người chủ động và sẵn sàng hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào trong việc thay đổi mối quan hệ với Triều Tiên. Ông cũng là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp mặt trực tiếp một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

"Các lãnh đạo Triều Tiên không muốn đất nước của họ bị ném bom, do vậy họ đã dừng thử vũ khí", Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin Hàn Quốc nhận định.

Triều Tiên nuốt lời?

Triều Tiên không còn phóng tên lửa: Công lớn của Tổng thống Trump? - Ảnh 2.

Ông Kim Jong-un thị sát một vụ phóng tên lửa Hwasong-12 tại Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Việc Triều Tiên bị nghi ngờ tiếp tục các hoạt động sản xuất vũ khí được xem là hành vi "dối trá" vì ông Kim Jong-un đã đưa ra cam kết trong cuộc gặp với ông Trump. Tuy nhiên, ngay cả Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un không "lừa" bất kỳ ai vì ông không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào.

Mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều nhất trí "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore hồi tháng 6, song tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp được đánh giá là mơ hồ, thậm chí bị coi là vô nghĩa.

Về cơ bản, cả Mỹ và Triều Tiên đều mâu thuẫn về định nghĩa "phi hạt nhân hóa" thực sự. Thay vì xuất phát từ một phía, Triều Tiên muốn Mỹ cũng phải rút quân khỏi khu vực và dỡ bỏ ô bảo hộ hạt nhân của Washington với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sự mơ hồ trong tuyên bố chung đã dẫn tới tình trạng bế tắc suốt từ khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Các nhà đàm phán Mỹ và Triều Tiên khăng khăng cho rằng bên còn lại phải nhượng bộ trước.

Trong những tuần gần đây, các cuộc đàm phán bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên có nguy cơ tái diễn. Hồi đầu tháng 12, Mỹ đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, lần này nhằm vào các quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng với cáo buộc lạm dụng nhân quyền. Đáp lại, Triều Tiên cảnh báo sẽ quay lại "vòng xoáy hỏa lực" như năm ngoái.

Tham vọng của Triều Tiên

Tổng thống Trump và đội ngũ của ông nói rằng họ muốn điều mà nhiều chuyên gia, thậm chí cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đều tin rằng không thể trong thời gian ông Kim Jong-un còn nắm quyền lãnh đạo, đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác thực và không thể đảo chiều kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhiều chuyên gia và giới chức tình báo nhận định Triều Tiên sẽ không bao giờ sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân, đặc biệt những vũ khí có khả năng tấn công Mỹ, vì Bình Nhưỡng cho rằng đây là chính sách bảo đảm tốt nhất để chống lại sự xâm lược từ bên ngoài.

Thực tế trên khiến nhiều nhà quan sát hối thúc Mỹ theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn với mục đích ngăn chặn và kiềm chế sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài Tổng thống Trump, một nhà lãnh đạo đang nỗ lực trong tiến trình thuyết phục Bình Nhưỡng là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tổng thống Moon cho biết ông cũng mong muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên thay vì chiến lược "một mất một còn" như Tổng thống Trump, ông Moon hoan nghênh các bước trung gian trong tiến trình phi hạt nhân hóa, xây dựng hợp tác liên Triều cả về kinh tế lẫn hòa bình.

Trung Quốc cũng cần đóng vai trò trong tiến trình này. Ông Kim Jong-un được cho là đã trao đổi riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề hạt nhân.

"Tôi không nghĩ việc ông Kim gặp ông Tập 3 lần chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn là chuyện tình cờ", nhà nghiên cứu Varriale nhận định.

Thành Đạt

Theo NBC