Triều Tiên họp khẩn bàn cải thiện kinh tế giữa lúc lo ngại thiếu lương thực
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã triệu tâp một cuộc họp với các quan chức đảng cầm quyền từ ngày 26/2 để thảo luận về việc cải thiện nền kinh tế và ngành nông nghiệp của đất nước.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 27/2 đưa tin đậm nét về cuộc họp quan trọng này giữa lúc bùng lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực và leo thang khủng hoảng nhân đạo.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát cuộc họp toàn thể mở rộng lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 lần này. Cuộc họp bắt đầu hôm 26/2, tập trung vào việc xem xét các dự án phát triển nông thôn, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin.
Theo các chuyên gia quốc tế, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trở nên đáng lo ngại và có dấu hiệu xấu đi tại Triều Tiên do nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây cùng với những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.
Theo KCNA, vào ngày đầu tiên diễn ra cuộc họp, các đại biểu đã thông qua các mục trong chương trình nghị sự, đồng thời cung cấp một số thông tin chi tiết về mục tiêu đề ra. Cuộc họp tiếp tục diễn ra trong ngày 27/2, thông tin cho biết thêm.
Khi thông báo về cuộc họp, KCNA cho hay đây là "nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách nhằm thiết lập chiến lược đúng đắn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp đất nước".
Trong tháng này, chính phủ Hàn Quốc cho biết, tình hình lương thực của Triều Tiên dường như đã xấu đi. Seoul cho rằng, cuộc họp lần này là sự thừa nhận rõ ràng và thực tế về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng của Bình Nhưỡng.
Tháng trước, Chương trình 38 North có trụ sở tại Mỹ, vốn chuyên giám sát, nghiên cứu các vấn đề về Triều Tiên công bố báo cáo cho biết, lương thực dự trữ của nước này có thể đã giảm xuống dưới mức tối thiểu "khi xét theo nhu cầu của con người".
Theo báo cáo, tình trạng mất an ninh lương thực ở Triều Tiên ở mức tồi tệ nhất kể từ sau nạn đói những năm 1990.
Triều Tiên đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt do chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ. Và trong những năm gần đây, vấn đề giao thương biên giới của nước này hầu như càng bị bóp nghẹt do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.