Triều Tiên cảnh báo chiến tranh, dọa xóa Hàn Quốc khỏi bản đồ
(Dân trí) - Truyền thông Triều Tiên đã công bố hình ảnh sinh viên và thanh niên đăng ký nhập ngũ giữa lúc căng thẳng leo thang với Hàn Quốc.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16/10 đã công bố những hình ảnh cho thấy các thanh niên và sinh viên nước này ký đơn xin tình nguyện nhập ngũ hoặc tái ngũ.
KCNA thông báo khoảng 1,4 triệu thanh niên, bao gồm sinh viên và cán bộ đoàn thanh niên, đã xin gia nhập hoặc quay trở lại lực lượng quân đội Triều Tiên trong tuần qua.
"Những thanh niên này quyết tâm tham gia cuộc chiến thiêng liêng hạ gục đối thủ bằng vũ khí cách mạng", KCNA đưa tin.
"Nếu chiến tranh nổ ra, Hàn Quốc sẽ bị xóa khỏi bản đồ. Vì họ muốn chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng chấm dứt sự tồn tại của họ", bản tin của KCNA cho biết.
Triều Tiên trước đây đã đưa ra những tuyên bố tương tự về những người trẻ tuổi nô nức nhập ngũ vào thời điểm căng thẳng gia tăng, mặc dù những tuyên bố như vậy từ quốc gia biệt lập này rất khó để xác minh.
Triều Tiên trước đây từng đưa ra những tuyên bố tương tự về việc thanh niên nước này đăng ký nhập ngũ khi căng thẳng leo thang với Hàn Quốc.
Năm ngoái, truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng đưa tin 800.000 thanh niên tình nguyện nhập ngũ để chống Mỹ. Năm 2017, Triều Tiên tuyên bố gần 3,5 triệu công nhân, đảng viên và binh lính đã tình nguyện phục vụ trong lực lượng quân sự.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Triều Tiên có 1,28 triệu quân chính quy và khoảng 600.000 quân dự bị.
Triều Tiên được cho là một trong những quốc gia quân sự hóa nhất thế giới, với "một trong những lực lượng quân sự thông thường lớn nhất thế giới", Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết trong một tài liệu năm 2021.
Các số liệu do công ty thu thập dữ liệu và trực quan hóa Statista công bố cho thấy chi tiêu quân sự của Triều Tiên có thể đã đạt tới 1/3 GDP của nước này vào năm 2022, tăng đáng kể so với những năm trước, khi Triều Tiên chỉ dành chưa đến 1/4 GDP cho quân đội. Con số này đứng thứ hai - sau Ukraine - về tỷ lệ GDP được phân bổ cho quốc phòng.
Statista cho biết vào năm 2022, chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc chiếm khoảng 2,5% GDP của nước này, tương đương với chi tiêu quốc phòng thông thường của các nước NATO và các đồng minh thân cận.
Nhìn chung, Triều Tiên có lực lượng quân sự nhiều gấp đôi so với Hàn Quốc, theo dữ liệu được Statista công bố vào tháng 6/2023.
Triều Tiên có "lực lượng nhân lực vượt trội" và lợi thế luôn thuộc về Bình Nhưỡng về mặt số lượng tuyệt đối, Andrew Yeo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings và là giáo sư tại Đại học Công giáo Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết.
Căng thẳng liên tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong những tuần gần đây.
Vào trưa 15/10, Triều Tiên đã kích nổ một phần các tuyến đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường ranh giới quân sự (MDL). Quân đội Hàn Quốc sau đó đã nổ súng bắn cảnh cáo.
Động thái của Triều Tiên diễn ra sau những phát ngôn gay gắt qua lại giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc triển khai máy bay không người lái rải truyền đơn ở thủ đô Bình Nhưỡng và cảnh báo sẽ cắt đứt toàn bộ đường nối với Hàn Quốc.
Triều Tiên tuyên bố nếu Hàn Quốc tiếp tục đưa máy bay không người lái xâm nhập không phận thủ đô Bình Nhưỡng, nước này sẽ coi đó là "hành động tuyên chiến" của Hàn Quốc.
Trước đó, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên thả hàng trăm bóng bay chứa rác sang Hàn Quốc. Để đáp trả việc Triều Tiên thả bóng bay chứa rác, quân đội Hàn Quốc đã dùng loa phóng thanh ở dọc biên giới 2 nước kể từ tháng 7 để chỉ trích Bình Nhưỡng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "sự kết thúc của chế độ" nếu gây ra bất kỳ tổn hại nào cho người dân Hàn Quốc. Quân đội Triều Tiên hôm 13/10 cho biết đã ra lệnh cho các đơn vị pháo binh tiền tuyến sẵn sàng khai hỏa đáp trả Hàn Quốc khi cần thiết.