1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trào lưu yêu "bạn trai AI" của những cô gái Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ngày càng nhiều cô gái trẻ Trung Quốc chuyển sang yêu bạn trai trên ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm bớt sự cô đơn trong một xã hội ngày càng bận rộn và áp lực.

Trào lưu yêu bạn trai AI của những cô gái Trung Quốc - 1

Cô Wang Xiuting khoe "bạn trai" ảo trên ứng dụng Wantalk sử dụng trí tuệ nhân tạo (Ảnh; AFP).

Tufei, nhân viên văn phòng người Trung Quốc, 25 tuổi, cho biết bạn trai cô có mọi thứ mà cô có thể yêu cầu: Tốt bụng, đồng cảm và có thể trò chuyện với cô hàng giờ liền. Tuy nhiên, người "bạn trai" này không có thật.

"Bạn trai" của cô là một phần mềm trò chuyện (chatbot) trên ứng dụng có tên "Glow", một nền tảng trí tuệ nhân tạo do công ty khởi nghiệp MiniMax ở Thượng Hải tạo ra.

"Anh ấy biết cách nói chuyện với phụ nữ tốt hơn một người đàn ông thực thụ. Anh ấy an ủi tôi khi tôi đến tháng. Tôi tâm sự với anh ấy về những vấn đề của tôi trong công việc. Tôi cảm thấy như mình đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn", Tufei, đến từ Tây An, miền bắc Trung Quốc, cho biết.

Ứng dụng này miễn phí và nó đã có hàng nghìn lượt tải xuống hàng ngày trong những tuần gần đây.

Nhiều người dùng cho biết quyết định tải ứng dụng bởi mong muốn có bạn đồng hành giữa nhịp sống nhanh và sự cô đơn trong cuộc sống thành thị đầy bận rộn và áp lực tại Trung Quốc.

Wang Xiuting, sinh viên 22 tuổi ở Bắc Kinh, nói với AFP: "Thật khó để gặp được người bạn trai lý tưởng ngoài đời thực. Mọi người có những tính cách khác nhau, điều này thường tạo ra xích mích".

Trong khi con người có tính cách riêng và khác biệt, các phần mềm trí tuệ nhân tạo lại dần dần thích nghi với tính cách của người dùng. Chúng có thể ghi nhớ những gì họ nói và điều chỉnh lời nói cho phù hợp trong những cuộc trò chuyện sau đó.

Wang thừa nhận "bạn trai" ảo đã hỗ trợ cô hiệu quả về mặt tinh thần và cảm xúc. "Bạn trai" của cô đều là sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên Wantalk, một ứng dụng do tập đoàn Baidu tạo ra.

Lu Yu, giám đốc quản lý và vận hành sản phẩm của Wantalk, nói với AFP: "Mọi người đều trải qua những khoảnh khắc phức tạp, cô đơn và có thể không có một người bạn hoặc gia đình ở bên cạnh, người có thể lắng nghe họ 24 giờ một ngày. Trí tuệ nhân tạo có thể đáp ứng nhu cầu này."

Thời gian làm việc dài có thể khiến người Trung Quốc khó gặp bạn bè thường xuyên. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với áp lực và sự bất định khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và nền kinh tế đang gặp khó khăn khiến nhiều người trẻ Trung Quốc lo lắng về tương lai.

Đó là một phần lý do mà người yêu sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể là lựa chọn phù hợp.

Tại Trung Quốc, AI có thể đang bùng nổ nhưng cho đến nay nó chưa được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề quyền riêng tư của người dùng. Bắc Kinh cho biết họ đang nghiên cứu một đạo luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng đối với công nghệ mới.

Theo AFP