Trào lưu "bai lan" của bộ phận người trẻ Trung Quốc thờ ơ với thời cuộc
(Dân trí) - Trào lưu "bai lan" (thờ ơ với thời cuộc) bắt đầu nhen nhóm và lan rộng trong một bộ phận người trẻ ở Trung Quốc khi cuộc sống ngày càng trở nên áp lực, cạnh tranh.
Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thanh niên của nước này đề cao những "lý tưởng lớn lao" và phấn đấu phát triển cá nhân để cùng xây dựng một đất nước hùng cường. Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc đặt hy vọng vào những người trẻ."
Tuy nhiên, nhiều người trẻ Trung Quốc bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ thà để "dòng đời xô đẩy" còn hơn là cố gắng trước thời cuộc mà họ cho là đầy bất ổn và khó lường trước. Họ sáng tạo ra một từ mới - "bai lan", nghĩa nôm na "cứ để cho mục nát", miêu tả thái độ của họ đối với cuộc sống.
Từ "bai lan" lấy cảm hứng từ những trận đấu bóng rổ tại Mỹ. Trong các trận bóng rổ, có trường hợp các cầu thủ cố tình thua trận nếu họ thấy mục tiêu ghi bàn quá khó để thực hiện, điều này cũng cho phép các cầu thủ có được các lựa chọn tốt hơn trong các đợt tuyển của kỳ sau. Tương tự, người trẻ Trung Quốc coi "bai lan" là việc tự nguyện từ bỏ theo đuổi các mục tiêu mà họ cho là quá xa vời.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người chia sẻ họ sẵn sàng "thuê nhà hết đời" chứ không thể mua nổi nhà đất với mức lương như hiện tại. Những người khác thì chia sẻ rằng họ "bai lan" vì áp lực công việc quá lớn, có người không thể đáp ứng các yêu cầu công việc, có những người theo đuổi đam mê âm nhạc nhưng thất bại.
Tâm lý "bình chân như vại" của một bộ phận người trẻ Trung Quốc trở nên rõ rệt hơn trong những năm gần đây, khi các cơ hội nghề nghiệp và làm giàu ngày càng cạnh tranh gay gắt. Tuy vậy, thái độ của họ có chiều hướng ngày càng tiêu cực: nếu trước đây những người trẻ chấp nhận hạ thấp mục tiêu cá nhân để tránh thất vọng thì bây giờ họ sẵn sàng chấp nhận những điều tiêu cực mà không hề cố gắng nữa. Theo thống kê, hơn 18% người trẻ Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 tới 24 thất nghiệp hồi tháng 4, tỷ lệ cao kỷ lục.
Giáo sư Mary Gallagher, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan, nói rằng xu hướng "bai lan" tại Trung Quốc có điểm tương đồng với "thế hệ lười biếng" ở Mỹ những năm 1990, khi những người trẻ chấp nhận ngừng cố gắng trước thời cuộc đầy cạnh tranh và thử thách.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng "bai lan" là một hiện tượng xã hội tiêu cực xuất phát từ tâm lý sẵn sàng từ bỏ của những người không có bản lĩnh. Tuy vậy, giáo sư truyền thông Kecheng Fang của Đại học Trung Quốc tại Hong Kong cho rằng "bai lan" đơn giản là sự phản ánh tâm lý chung của giới trẻ: họ cảm thấy lạc lõng và bất lực trước thời cuộc và cần sự kết nối với những người có cùng cảm xúc.