1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh thủ đa phương, thúc đẩy song phương

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump cho thấy các ưu tiên đối ngoại của Mỹ như duy trì và thúc đẩy quan hệ đồng minh “có định hướng”, đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố, kiến tạo hòa bình Trung Đông và “sửa chữa” vấn đề Iran…

Theo thông báo của Nhà Trắng, từ 20-26/5 (theo giờ VN), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Saudi Arabia, Israel và Italy theo lời mời của lãnh đạo ba nước này.

Ngoài các cuộc gặp song phương, Tổng thống Trump sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bỉ và Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) tại Italy.

Chuyến đi này của ông Trump diễn ra chậm nhất sau khi một vị Tổng thống Mỹ nhậm chức kể từ thời Lyndon Johnson. Đồng thời, ông Trump cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên từ thời Tổng thống Jimmy Carter đi ngược lại truyền thống đối ngoại vốn có của Mỹ là chọn thăm Mexico hay Canada.

Tranh thủ đa phương, thúc đẩy song phương - 1

Ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lên đường thăm các nước Saudi Arabia, Israel, Italy và dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, G7. (Nguồn: AP)

Vượt lên lựa chọn truyền thống

Có sự khác biệt rõ nét vào thời điểm lên ngôi của ông Trump so với các đời Tổng thống tiền nhiệm, đặc biệt là sức ép và quan tâm rất lớn của dư luận đối với một Tổng thống ngoại đạo trên chính trường.

Di sản kinh tế Mỹ mà ông Trump có được khá tích cực (tăng trưởng GDP ở mức 1,9%, tỷ lệ thất nghiệp 4,5%) so với thời điểm Tổng thống Obama nhậm chức năm 2008 (tăng trưởng GDP âm 5,4%, tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 8%). Dù vậy, chính quyền Trump vẫn quyết tâm hiện thực hóa khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, trên cả nội dung kinh tế và phi kinh tế.

Cụ thể, trong 100 ngày đầu tiên, chính quyền Trump dồn khá nhiều sức lực để xử lý các vấn đề đối nội: cải thiện tỷ lệ ủng hộ của cử tri; gạt bỏ các di sản của chính quyền cũ mà Tổng thống Trump cho rằng không còn phù hợp và hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước; tạo thêm việc làm cho người Mỹ; vận động Quốc hội thông qua ngân sách mới; và quan trọng không kém là tìm cách hòa hợp đảng phái, củng cố quyền lực nội bộ, hoàn thiện bộ máy chính quyền

Là một cựu doanh nhân, không ưa di chuyển (cùng thời điểm sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã thăm tám nước và Tổng thống George W. Bush là hai nước), ông Trump có xu hướng kết hợp các chuyến công du có khả năng đạt được thỏa thuận cao hoặc tạo đột phá.

Với sự sắp xếp của các kiến trúc sư trưởng cho chuyến công du này, gồm Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Tổng thống Trump vượt lên lựa chọn truyền thống là Canada và Mexico – hai quốc gia láng giềng tồn tại các bất đồng về thương mại và nhập cư, thay vào đó là thăm các nước có chung lợi ích (Saudi Arabia, Israel), ba trung tâm tôn giáo lớn (đạo Hồi, Do Thái, Thiên Chúa), thúc đẩy cam kết tranh cử (kiến tạo hòa bình Trung Đông), hợp tác cùng các nước đồng minh, phát triển (NATO, G7).

Giảm lo ngại “chủ nghĩa biệt lập”

Nhìn vào bàn cờ đối ngoại của Mỹ, có thể thấy chính quyền Trump khá duy lý về kinh tế - chính trị, chiến lược và địa lý khi lựa chọn các chặng dừng chân.

Lý do quan trọng đầu tiên thúc đẩy chuyến đi lần này là các hội nghị thường niên tại khu vực, bao gồm NATO và G7. Trong quá trình tranh cử và thậm chí sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump luôn tin rằng NATO đã “lỗi thời”.

Tuy nhiên, quan điểm này đã sớm được điều chỉnh. Cam kết “không gì lay chuyển” với NATO được tái khẳng định qua các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo châu Âu (Anh, Đức) cũng như qua lần ra mắt châu Âu đầu tiên của Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson vào tháng 2/2017.

Việc Tổng thống Trump tham dự các Hội nghị NATO và G7 lần này là dịp để Mỹ tái khẳng định cam kết ở cấp cao nhất với các tổ chức này, thúc đẩy hợp tác trên các vấn đề toàn cầu, có chung lợi ích, trong đó có chống khủng bố (đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS), góp phần xóa mờ những lo ngại trong nội khối về “chủ nghĩa biệt lập” của Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh các chủ đề hợp tác, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ nhắc lại các nội dung đã được cấp dưới của ông đề cập trước đó như mong muốn NATO “chuyển mình” để phù hợp với tình hình mới, hay đề nghị các nước thành viên sớm tăng đóng góp cho ngân sách liên minh lên mức 2% GDP/năm.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 ngày 13/5, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã “dọn sẵn đường” cho Tổng thống Trump bằng việc chuyển tải thông điệp về các chính sách thuế - thương mại của Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn nguồn tài chính cho các tổ chức khủng bố.

Đặc biệt, Thỏa thuận thương mại 10 điểm Mỹ - Trung đạt được ngày 11/5 đã đánh tín hiệu kịp thời cho các nước nằm trong danh sách giám sát đặc biệt do thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó có Đức và Nhật Bản – hai thành viên của G7.

Hợp tác “có chọn lọc”

Một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền Trump là đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Điều này được thể hiện rõ qua các cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Trump với lãnh đạo các nước Trung Đông cũng như Hội nghị Liên minh toàn cầu chống khủng bố do Mỹ chủ trì tại Washington hồi tháng Ba.

Saudi Arabia được Mỹ đánh giá cao bởi vai trò dẫn dắt các nước Hồi giáo khu vực đồng thời chia sẻ nhiều lợi ích với Mỹ.

Theo chính quyền Trump, chuyến đi “không nhằm giảng giải về cách sống” mà là một phần chiến lược vươn tới các tôn giáo và quốc gia khác nhau, “đặt nền tảng mới” cho hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan.

Dù lệnh cấm nhập cư của chính quyền Mỹ gây nhiều tranh cãi, nhưng không đánh đồng mà chỉ nhắm vào sáu nước Hồi giáo. Lệnh cấm này, cùng với chặng dừng chân đầu tiên tại Saudi Arabia sẽ giúp phát đi thông điệp mạnh mẽ về một nước Mỹ sẵn sàng hợp tác “có chọn lọc”, không chống lại toàn bộ thế giới Hồi giáo mà chỉ chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Trump sẽ “hội tụ lịch sử” với lãnh đạo các nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, UAE... Mặc dù có tham vọng lớn tìm được hướng đi mới cho cuộc chiến chống khủng bố, tuy nhiên nhiều khả năng chặng dừng chân này sẽ thiên về tính biểu tượng và tạo sự đoàn kết giữa một số nước Hồi giáo khu vực hơn là giải pháp cụ thể, hiệu quả đối phó với IS.

Chặng dừng chân tại Israel là sự tiếp nối những nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông. Ông Trump đã nhiều lần cam kết làm trung gian cho hòa bình Trung Đông, sớm tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (2/2017) và gần đây là Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (5/2017).

Tuy nhiên, do không muốn “đóng khung” với các ý tưởng bế tắc cũ và có xu hướng thử mọi quân bài trong tay để tìm ra giải pháp lý tưởng nhất, quan điểm của ông Trump vì thế không tránh được sự thiếu ổn định như ý tưởng dịch chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv về Jerusalem hay giải pháp hai nhà nước.

Vì vậy, chuyến đi Trung Đông lần này có lẽ sẽ chỉ là bước khởi đầu của một quá trình đầy gian nan do tính phức tạp của vấn đề mang tính lịch sử này cũng như những tính toán chiến lược – chính trị khác.

Một trong những điểm thuộc chính sách đối ngoại mà chính quyền Trump sớm bộc lộ sự khác biệt với chính quyền cũ là vấn đề Iran. Cụ thể, ngay cả khi xác minh Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, chính quyền Trump vẫn thấy cần rà soát toàn diện thỏa thuận nhằm đánh giá liệu việc nới lỏng trừng phạt có lợi cho an ninh quốc gia của Mỹ hay không.

Trong khi đó, lãnh đạo của cả Israel và Saudi Arabia đều không ủng hộ Iran. Cụ thể, ngoài việc xung đột quan điểm (xây khu tái định cư) với chính quyền Obama, Thủ tướng Netanyahu còn phản đối việc Mỹ đàm phán với Iran. Trong khi đó, Saudi Arabia – nước cạnh tranh bá quyền với Iran tại Trung Đông – lại ủng hộ quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump với Tehran.

Vì vậy, chặng Israel và Saudi Arabia sẽ phát đi thông điệp kép tới chính quyền Iran về một tương lai khó khăn hơn thỏa thuận hạt nhân hiện nay.

Cuối cùng, chặng dừng chân tại Italy, ngoài việc dự Hội nghị G7, cũng là cơ hội để Tổng thống Trump tạo dựng quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Thiên Chúa giáo, thúc đẩy đoàn kết tôn giáo toàn cầu, hoàn thiện góc cuối cùng của “tam giác tôn giáo” trong suốt chuyến đi (Do Thái, đạo Hồi và Thiên Chúa), xoa dịu khác biệt về quan điểm nhập cư cũng như các phát ngôn gây tranh cãi trước kia.

Chỉ dấu cho châu Á

Mặc dù lần đặt chân ra nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump là tới Trung Đông - châu Âu, tuy nhiên châu Á mới chính là châu lục nhận được sớm hơn lời gật đầu tham dự (Thượng đỉnh Đông Á - EAS, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương - APEC) của Mỹ.

Đặc điểm chung lớn nhất của hai quyết định công du là các hội nghị đa phương, được xem là động lực để Tổng thống Trump kết hợp với các chuyến đi khác nhằm thực hiện tổng thể mục tiêu đối ngoại. Qua chuyến đi, ưu tiên đối ngoại của chính quyền được bộc lộ khá rõ như duy trì và thúc đẩy quan hệ đồng minh “có định hướng”, đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố, kiến tạo hòa bình Trung Đông và “sửa chữa” vấn đề Iran.

Nhìn từ chuyến thăm trên, châu Á có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho các cuộc tiếp xúc sắp tới: tranh thủ đa phương để thúc đẩy song phương; thúc đẩy hợp tác trên các vấn đề khu vực, toàn cầu cùng lợi ích: chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, các vấn đề an ninh hàng hải… ngoài việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư để khai thác tối đa tiềm năng của cả hai phía.

Theo Phạm Minh Thu (từ Washington D.C)

Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm