1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nỗ lực "cài đặt lại" mối quan hệ với thế giới Hồi giáo

Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rời Washington tới Riadh, điểm mở đầu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng.

Với vai trò là cái nôi của Hồi giáo, là nước đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, A-rập Xê-út có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực Trung Đông cả về an ninh, kinh tế, tôn giáo.

Bởi vậy, chuyến thăm Riadh của ông Trump được kỳ vọng sẽ là nút nhấn giúp Washington "cài đặt lại" các mối quan hệ với thế giới Hồi giáo, vốn căng thẳng dưới thời chính quyền của ông Barack Obama...

Hơn 70 năm gắn bó

A-rập Xê-út và Mỹ đã có hơn 70 năm gắn bó sau Hiệp ước Kuinsi - hiệp ước về quan hệ liên minh Mỹ - A-rập Xê-út được ký kết năm 1945 trên tuần dương hạm Kuinsi. Mối quan hệ kéo dài nhiều thập kỷ này dựa trên sự trao đổi, theo đó Mỹ bảo đảm an ninh cho A-rập Xê-út để đổi lấy dầu mỏ của quốc gia vùng Vịnh A-rập.

Quan trọng hơn, hai quốc gia này có những lợi ích chung không thể phủ nhận. Đối với Mỹ, A-rập Xê-út chính là nguồn gốc của sự ổn định tại Trung Đông.

"Các đời tổng thống Mỹ đều mong muốn một mối quan hệ nghiêm túc với những nước xuất khẩu dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", giáo sư F.Gregory Gause tại Trường Đại học Texas nhận định.

Bên cạnh đó, A-rập Xê-út là cái nôi của Hồi giáo, là nơi đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và có ảnh hưởng quan trọng đối với các vấn đề lớn của khu vực, đồng thời là đối tác số 1 của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, loại bỏ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đây là ưu tiên hàng đầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, Washington cũng muốn tranh thủ sự giúp đỡ của Riadh để giải quyết cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria.

Mỹ nỗ lực "cài đặt lại" mối quan hệ với thế giới Hồi giáo - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc tiếp xúc với Phó Hoàng thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng A-rập Xê-út Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters

Ở chiều ngược lại, đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Franklin D.Roosevelt đề xướng liên minh với A-rập Xê-út, nước này vẫn hướng đến Mỹ chủ yếu nhằm bảo đảm duy trì an ninh tại một khu vực luôn tiềm ẩn bất ổn.

A-rập Xê-út muốn được Mỹ ủng hộ, đặc biệt nếu có xung đột với Iran - đối thủ truyền thống của họ trong khu vực. Đây là cơ sở căn bản cho mối quan hệ đồng minh, cho “cuộc hôn nhân” hơn 70 năm qua giữa hai quốc gia này.

Những khác biệt

Dù vậy, hai quốc gia cũng có những khác biệt nhất định và không chia sẻ những giá trị chung trong những vấn đề quan trọng.

A-rập Xê-út là nước theo chế độ quân chủ chuyên chế và phân biệt đối xử với phụ nữ, không cho phép tự do tôn giáo cũng như tự do báo chí. Nhiều năm qua, dầu mỏ chính là chất kết dính cho mối quan hệ giữa hai quốc gia. Nhưng nay, với việc khả năng sản xuất dầu của Mỹ đang gia tăng, trong khi vai trò lãnh đạo của A-rập Xê-út lại suy yếu, sự phụ thuộc lẫn nhau từng có hồi đầu thập niên 1930, khi Mỹ lần đầu tiên đầu tư vào các giếng dầu ở A-rập Xê-út, không còn có thể chi phối mối quan hệ hai nước.

Mối quan hệ giữa hai bên cũng không mấy xuôi chèo mát mái dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Obama. Đặc biệt trong một loạt những vấn đề chủ chốt như Syria, Iran, xung đột Israel - Palestine, Ai Cập và tiến trình dân chủ hóa khu vực, quan điểm của hai bên lộ rõ những khác biệt.

Việc Mỹ giảm dần sự hiện diện tại Trung Đông, Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân đã tạo nên nền tảng cho sự ngờ vực và thiếu lòng tin trong quan hệ Mỹ - A-rập Xê-út. Thậm chí, giới lãnh đạo A-rập Xê-út còn cho rằng ông Obama miễn cưỡng khi can thiệp vào cuộc chiến ở Syria và có xu hướng nghiêng về phía Iran, một địch thủ khu vực của Riadh.

Tuy nhiên, sau những rạn nứt nói trên, quan hệ Mỹ và A-rập Xê-út đang có những chuyển biến tích cực dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong vài tháng đầu cầm quyền, những nỗ lực cải thiện quan hệ đồng minh với quốc gia A-rập của Tổng thống Donald Trump đã thể hiện nhiều quan điểm đối ngoại ở khu vực Trung Đông hoàn toàn khác biệt với người tiền nhiệm Obama.

Thậm chí, theo phân tích của một học giả chuyên về Trung Đông, quan điểm của ông Trump về Trung Đông được ví như “mật ngọt rót tai” đối với các nước A-rập vùng Vịnh khi Washington tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với Iran và tái xác nhận quyền lực ở khu vực.

Việc chọn A-rập Xê-út và Israel là hai điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài cũng khiến ông Trump “ghi thêm điểm” đối với hai đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Chuyến thăm lịch sử

Không lạ gì khi nhiều chuyên gia đánh giá chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, với một loạt những điểm đến quan trọng như A-rập Xê-út, Israel, Tòa thánh Vatican, Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị NATO và Hội nghị G7 tại Italy, là chuyến thăm lịch sử, bởi tầm quan trọng của nó đối với những vấn đề nóng của khu vực Trung Đông, vấn đề tôn giáo, kinh tế và cả trên bình diện quốc tế.

Lần này tới Riadh, dự kiến Tổng thống Mỹ sẽ tham dự một loạt các sự kiện quan trọng như hội nghị thượng đỉnh lịch sử với các quốc gia A-rập và Hồi giáo, hội nghị cấp cao song phương với A-rập Xê-út và đàm phán với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), qua đó giúp tăng cường các mối quan hệ và thúc đẩy sự khoan dung giữa các bên.

Quan trọng hơn, chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác mới giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo để ứng phó với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.

Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng trong dịp tự do tôn giáo, Tổng thống Donald Trump đã mô tả chuyến đi của mình như là một nỗ lực để xây dựng sự hợp tác và hỗ trợ giữa các tín đồ Hồi giáo, Kitô hữu và người Do Thái nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố, đạt được an ninh, ổn định ở Trung Đông.

Chuyến thăm còn là thông điệp bác bỏ bất kỳ thái độ thù địch nào của Mỹ với người Hồi giáo. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đang trông chờ vào đồng minh ở khu vực vùng Vịnh trong cuộc chiến chống lại IS. Điều này giúp ông khôi phục vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới cũng như khẳng định rõ chính sách ưu tiên chống khủng bố của Mỹ.

Trọng tâm khác trong chuyến thăm này là hợp tác kinh tế.

A-rập Xê-út hiện đang là đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ và đầu tư. Trong khi đó, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội A-rập Xê-út với các loại vũ khí từ xe tăng cho tới máy bay chiến đấu F-15.

Như để tạo tiền đề cho chuyến thăm, cách đây vài ngày, một quan chức cao cấp giấu tên của Nhà Trắng đã tiết lộ cho Reuters việc Mỹ và A-rập Xê-út đang chuẩn bị hoàn tất một loạt thỏa thuận mua bán vũ khí khổng lồ lên tới 100 tỷ USD.

Quan chức này cho hay gói sắp được bán cho Riadh có thể vượt con số 300 tỷ USD và được thực hiện trong 10 năm nhằm giúp quốc gia A-rập củng cố tiềm lực quân sự. Có thể, thỏa thuận mua bán vũ khí khổng lồ này sẽ được chính thức ký khi ông Trump đến thăm A-rập Xê-út.

Theo Ngọc Thư

Quân đội nhân dân