"Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán"
(Dân trí) - Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cho rằng giải pháp dài hạn cho tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông cần phải được tìm kiếm thông qua đối thoại và đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Đông đảo đại biểu tham dự buổi hội thảo
Hội thảo quốc tế lần này có sự tham dự của các chuyên gia nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực biển đến từ Liên minh Châu Âu như GS. Erik Franckx, Thành viên Tòa Trọng tài Thường trực, Trưởng khoa Luật Châu Âu và Luật Quốc tế, Đại học Brussel Vrije, Bỉ; TS. Helmut Tuerk, Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế và Phó Chủ tịch Tòa án Luật biển Quốc tế;GS.TS. Liselotte Odgaard, Viện Chiến lược, Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch; TS. Eva Pejsova, Chuyên gia phân tích cấp cao, Viện Nghiên cứu An ninh EU (EUISS), Paris, Pháp vàGS. Ronan Long, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Ireland Galway, Ireland.
Các chuyên gia đến từ Châu Á trình bày tại hội thảo bao gồm GS. Vương Hàn Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Các vấn đề đại dương và Luật biển, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), Bắc Kinh, Trung Quốc; TS. Tiết Quế Phương, Giám đốc điều hành, Cơ sở nghiên cứu Quyền và Chiến lược biển quốc gia, Trung tâm Phát triển Vùng Cực và Đại dương, Giáo sư, Trường Luật KoGuan, Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc; Đại sứHasjim Djalal, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quản lý các vấn đề biển và nghề cá, Indonesia; GS. Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề về biển và Luật biển, Đại học Philippines;AbdRahim Hussin, (Hàm) Thứ trưởng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Thủ tướng, Malaysiavà GS. Mariko Kawano, Giáo sư Luật quốc tế, Khoa Luật, Đại học Waseda, Nhật Bản.
Các đại biểu đến từ Việt Nam bao gồm TS.Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông; TS.Nguyễn Đăng Thắng và TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam và TS. Ngô Hữu Phước, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo phân tích nhiều khía cạnh liên quan đến các vấn đề biển của khu vực châu Âu và châu Á bao gồm: quy chế pháp lý của thực thể biển từ góc độ thực tiễn hoạt động của các cơ quan tài phán và thực tiễn quốc gia; quy chế pháp lý của các vùng biển; các vấn đề an ninh biển như va chạm trên biển, chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, tìm kiếm cứu nạn, nhận thức về các vấn đề biển; hợp tác biển và quản trị đại dương, phân định biển và giải quyết tranh chấp.
Hội thảo thu hút hơn 140 đại biểu tham dự đến từ các bộ ngành và cơ quan trung ương, đại diện các phái đoàn ngoại giao, các cơ quan nghiên cứu học thuật và đại diện quan chức các tỉnh thành Việt Nam.
An Bình