Tranh cãi việc Trung Quốc thay đổi cách xác định người nhiễm virus corona
(Dân trí) - Trong khi giới chức địa phương cho rằng, phương pháp chẩn đoán mới tạo điều kiện để người nhiễm bệnh có cơ hội được điều trị kịp thời, giới chuyên gia cũng chỉ ra những nhược điểm của phương pháp này.
Tăng vọt sau một đêm
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm nay cho biết, trong ngày 12/2, địa phương này ghi nhận thêm 242 người chết, tăng hơn 2 lần so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới cũng tăng vọt gần 15.000 người, gấp gần 10 lần so với ngày 11/2. Với số liệu thống kê này, tính đến hết ngày 12/2, Trung Quốc đại lục có 1.361 người tử vong và khoảng 59.500 người nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19).
Lý giải cho việc tăng vọt này, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết: “Từ hôm nay (13/2), chúng tôi sẽ cộng gộp cả những ca được chẩn đoán lâm sàng vào số người xác nhận nhiễm để bệnh nhân có thể được điều trị kịp thời". Như vậy, những người nhiễm Covid-19 không chỉ được xác nhận qua xét nghiệm RNA (axit ribonucleic) mà còn qua kết quả hình ảnh chụp cắt lớp (CT).
Quyết định sử dụng phương pháp chụp CT để xác định người nhiễm Covid-19 dường như ít nhiều do tác động từ một chiến dịch trên mạng xã hội do một bác sĩ ở Vũ Hán phát động. Bác sĩ này tuần trước kêu gọi dùng phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh để đẩy nhanh quá trình nhập viện và điều trị cho những người bị cho là nhiễm bệnh. Nữ bác sĩ này cho rằng, chụp CT phổi sẽ cho kết quả ngay lập tức và điều này là cần thiết trong bối cảnh tâm dịch Vũ Hán thiếu các công cụ xét nghiệm.
Nhiều tranh cãi
Ông Tong Zhaohui, một chuyên gia trong nhóm chỉ đạo trung ương chỉ đạo chống dịch ở Hồ Bắc và là phó giám đốc Bệnh viện Chaoyang ở Bắc Kinh, cho biết, việc thay đổi này phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán mới nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc về sử dụng kết quả chụp CT và các kết quả xét nghiệm khác.
“Khi các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, chỉ có 20%-30% được xác định thông qua xét nghiệm, 70%-80% còn lại dựa vào chẩn đoán lâm sàng. Việc cho phép các ca chẩn đoán lâm sàng (để xác định người nhiễm bệnh) giúp mang lại một công cụ nữa trong đối phó dịch”, ông Tong cho biết với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Bác sĩ Ho Pak-leung, một chuyên gia y tế tại Đại học Hong Kong, cũng ủng hộ thay đổi này. Ông cho rằng, với cách chẩn đoán qua xét nghiệm trước đó, một số bệnh nhân có thể tử vong thậm chí trước khi thực hiện bất cứ xét nghiệm nào.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của phương pháp này với lý do kể cả các bệnh nhân mắc cúm mùa cũng có các hình ảnh lâm sàng của viêm phổi.
“Chúng tôi cảm thấy rất mơ hồ”, bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, bình luận về việc giới chức y tế Hồ Bắc thay đổi phương pháp tính người nhiễm Covid-19.
Chung nhận định này, bác sĩ Peter Rabinowitz tại Trung tâm phòng dịch và an ninh y tế toàn cầu thuộc Đại học Washington, cho biết: “Thay đổi này thậm chí khiến việc xác định người thực sự nhiễm virus trở nên khó khăn hơn… Việc xác định quy mô dịch sẽ như một mục tiêu di động”.
Số liệu thống kê các ca bệnh tăng đột biến do thay đổi phương pháp tính cho thấy trở ngại với các nhà khoa học trong việc xác định mức độ và tính nghiêm trọng của dịch bệnh do Covid-19 gây ra ở Trung Quốc, đặc biệt là ở “tâm dịch” Hồ Bắc nơi hàng nghìn người vẫn chưa thể làm xét nghiệm.
Việc các nhà khoa học thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán dựa trên sự thay đổi về hiểu biết đối với một loại dịch bệnh nào đó không phải là không có. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi thay đổi tiêu chuẩn thì việc so sánh số liệu hàng tuần không mang nhiều giá trị. “Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng lại rất quan trọng đó là bạn đang thống kê theo tiêu chuẩn nào”, New York Times dẫn lời bác sĩ Schaffner.
Minh Phương
Theo Bloomberg, SCMP, NYTimes