Tranh cãi quyết định rút 9.500 lính Mỹ khỏi Đức của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump dự tính rút 9.500 quân đội Mỹ khỏi Đức đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều về mối quan hệ giữa hai nước thân cận trong liên minh NATO.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ ngày 5/6 cho biết Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc rút 9.500 trong tổng số 34.500 quân Mỹ thường trực khỏi Đức. Việc duy trì lực lượng Mỹ tại Đức là một phần trong cam kết hiện diện quân sự lâu dài giữa hai nước đồng minh NATO.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Bild am Sonntag, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thừa nhận có nhiều vấn đề trong mối quan hệ với Mỹ, đồng thời lấy làm tiếc về quyết định rút quân của Tổng thống Trump.
“Chúng tôi là những đối tác gần gũi trong liên minh NATO. Nhưng chuyện này rất phức tạp”, ông Maas nhận định.
Ngoại trưởng Maas cho biết Đức đã “ghi nhận” việc Mỹ rút một phần quân đội.
“Chúng tôi đánh giá cao việc hợp tác với các lực lượng Mỹ qua nhiều thập kỷ. Điều đó phục vụ cho lợi ích của cả hai nước”, ông Maas nói thêm.
Các nghị sĩ cấp cao thuộc liên minh bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6/6 đã chỉ trích quyết định rút quân của Mỹ.
Một quan chức Mỹ giấu tên ngày 5/6 cho biết việc rút quân là kết quả sau nhiều tháng làm việc của Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley. Động thái này cũng không liên quan đến căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel, người đã từ chối tham gia kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 (gồm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới Anh, Mỹ, Đức, Italy, Canada, Pháp và Nhật Bản) của nhà lãnh đạo Mỹ trong tháng này.
Tổng thống Trump ngày 30/5 cho biết ông sẽ hoãn hội nghị G7 dự kiến tổ chức ở Mỹ vào tháng 6 và mời thêm 4 nước gồm Nga, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham gia cuộc họp có thể diễn ra vào mùa thu. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết cuộc họp G7 mới có thể diễn ra vào tháng 9, trước hoặc sau kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Johann Wadephul, phó chủ tịch liên đảng bảo thủ CDU của Thủ tướng Merkel, mô tả quyết định rút quân của Mỹ là lời cảnh tỉnh.
“Kế hoạch này cho thấy chính quyền Trump đang phớt lờ sứ mệnh lãnh đạo cơ bản để kết nối các đối tác liên minh vào tiến trình ra quyết định”, ông Wadephul cho biết.
“Tất cả mọi người đều hưởng lợi từ liên minh gắn kết với nhau, chỉ Nga và Trung Quốc được hưởng lợi từ sự chia rẽ này. Washington nên chú ý hơn tới điều đó”, nghị sĩ Đức cảnh báo.
Dietmar Bartsch, lãnh đạo nhóm đảng cánh tả Đức Die Linke, hoan nghênh quyết định rút quân của Mỹ.
“Chính phủ liên bang nên chấp nhận điều đó với sự biết ơn và nhanh chóng khởi động việc chuẩn bị rút hoàn toàn binh lính Mỹ với chính quyền Trump. Điều đó sẽ mang lại thêm lợi ích là tiết kiệm hàng tỷ tiền thuế, vì sẽ không cần thiết phải mua thêm máy bay chiến đấu mới”, ông Bartsch nói.
Norbert Röttgen, một chính trị gia đảng CDU và là gương mặt sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Merkel khi bà mãn nhiệm vào năm tới, đã chỉ trích kế hoạch rút quân của Mỹ.
“Việc rút quân như vậy là điều đáng tiếc xét từ mọi góc độ. Tôi không nhìn thấy lý do phù hợp nào cho việc rút quân như vậy”, ông Röttgen nói.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 6/6 đánh tiếng rằng nước này hy vọng sẽ tiếp nhận thêm quân Mỹ sau khi Washington rút quân khỏi Đức. Ba Lan từ lâu vẫn coi Mỹ là “người bảo hộ” chủ chốt về an ninh trong khối NATO.
“Tôi thực sự hy vọng rằng sau nhiều cuộc đối thoại mà chúng tôi đã thực hiện và trên cơ sở là đối tác NATO thân cận, một số binh sĩ đang đóng quân tại Đức nhưng được Mỹ rút về sẽ tới Ba Lan”, ông Morawiecki nói với đài phát thanh RMF.
“Mối nguy hiểm thực sự đang rình rập tại biên giới phía đông, vì thế việc chuyển quân đội Mỹ tới bờ phía đông của NATO sẽ tăng cường an ninh cho toàn bộ châu Âu”, Thủ tướng Ba Lan nói, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Sau khi Nga được cho là tăng cường kiểm soát các khu vực ở Georgia và Ukraine trong 10 năm qua, Ba Lan đang lên kế hoạch duy trì sự hiện diện thường trực quân đội Mỹ. Giới phân tích nhận định Nga có thể hoan nghênh quyết định rút quân của Mỹ khỏi Đức, vốn được xem là động thái thể hiện sự bất đồng giữa hai đồng minh thân cận của NATO.
Một số cựu quan chức quốc phòng cùng các nhà lập pháp Mỹ lo ngại kế hoạch rút quân của Tổng thống Trump sẽ làm suy yếu thêm một liên minh quan trọng và tạo cơ hội cho các đối thủ của Washington.
Hiện cả giới chức Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều từ chối xác nhận hoặc phủ nhận thông tin về việc Mỹ rút quân khỏi Đức. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump và các đồng minh đang xảy ra căng thẳng vì các thỏa thuận hợp tác kéo dài.
Động thái rút quân được cho là phản ánh sự thất vọng của chính quyền Trump với các chính sách của Đức trong thời gian dài. Ông Trump cho rằng Đức không chi đủ ngân sách cho quốc phòng của nước này, đồng thời Đức cũng muốn thông qua dự án đường ống chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga qua biển Baltic.
Thành Đạt
Theo Guardian, Reuters